TIN MỪNG THEO THÁNH Mác-cô (Trích 0:1-1)

Dẫn nhập

Thứ tự và những đề tài chính yếu

Tin Mừng thứ hai xuất hiện là một chuỗi tích truyện, xét chung thì vắn tắt và không có liên hệ thật chính xác với nhau. Khung cảnh rõ ràng hơn hết là do mấy chỉ dẫn địa lý cấu tạo thành. Hoạt động Chúa Giêsu phát triển tại Galilê (1,14) và chung quanh vùng này mãi cho tới miền dân ngoại (7,24.31; 8,27). Rồi Chúa Giêsu đi qua xứ Pêrê và thành Giêricô (ch. 10), để tiến lên thành Giêrusalem (11,1).

Khuôn khổ ấy không nói cho ta biết nội dung sách này sắp xếp làm sao, vì cái cho phối nội dung này chính là sự quảng diễn mấy đề tài cốt yếu.

A. Tin Mừng

Ngay từ mấy chữ đầu tiên, sách đã tuyên bố mình lưu tâm tới "Tin Mừng về Ðức Giêsu Kitô, là Con Ðức Chúa Cha" (1,1), rồi chày kíp lại gọi là "Tin Mừng về Ðức Chúa Cha" (1,14), hoặc nói trống là "Tin Mừng" (1,15). Ðối với Thánh Máccô cũng như Thánh Phaolô, tiếng Phúc Âm chỉ Tin Mừng dành cho hết mọi người, và chính việc đón nhận Tin Mừng ấy là cái xác định niềm tin Kitô Giáo: nhờ Chúa Giêsu, Ðức Chúa Cha đã thể hiện các lời Ngài hứa ban ơn cho họ (x. 1,1). Vì thế, phải công bố Tin Mừng cho hết mọi người (13,10; 14,9). Trách vụ này xác định tính hiện thời, là cái khiến cho Thánh Máccô không sợ thích nghi một số lời Chúa Giêsu: bởi khi Chúa Giêsu không còn dưới thế này nữa, thì việc bỏ mình và bỏ mọi sự vì Chúa, chính là bỏ vì Tin Mừng (8,35c; 10,29). Vì tác động Ðức Chúa Cha bày tỏ qua đời sống và cuộc Tử Nạn Phục Sinh của Chúa Giêsu, vẫn còn tiếp diễn ở thế gian này, nhờ lời giảng đã trao phó cho các môn đồ. Tin Mừng còn hơn một sứ điệp từ nơi Ðức Chúa Cha và liên hệ tới Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng chính là tác động của Ðức Chúa Cha ở giữa loài người. Ðó chính là hiện tại, mà Thánh Máccô căn cứ vào để quay về dĩ vãng, hầu nói lên cái "bắt đầu" (1,1), và nhờ ánh sáng này để nêu đặc tính của đời sống kitô hữu.

B. Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, là Con Ðức Chúa Cha

Các lời Ðức Chúa Cha phán hứa đã bắt đầu thể hiện, nhờ lời giảng Thánh Gioan Tẩy Giả, là người mở đường cho Chúa Giêsu Nadarét. (1,2-8). Còn Chúa Giêsu, được Chúa Cha tuyên bố là Con của Ngài, rồi chiến thắng Satan ở trên hoang địa, và bắt đầu rao giảng Tin Mừng tại Galilê (1,14-15). Từ đấy một vở kịch bi hùng khởi sự, đó là việc bày tỏ Ðức Kitô là Con Ðức Chúa Cha theo hai giai đoạn phân biệt với nhau.

1. Quyền năng của giáo huấn và các việc làm của Chúa Giêsu chống với những năng lực của Ác Thần, là điều công chúng đã rộng rãi nhìn nhận (1,21-45; 3,7-10...). Nhưng sự kiện Chúa Giêsu là Con Ðức Chúa Cha, đó là điều cần giữ bí mật (1,25; 3,12). Sự chống đối của các người tuân giữ Lề Luật Môi Sen một cách gắt gao, bắt đầu nổ tung (2-3,6) và đi tới chỗ coi Chúa Giêsu là khí cụ của Quỉ Vương (3,22-30). Tuy nhiên, các môn đồ thì phân biệt rõ ràng với quần chúng (4,10.33-34). Và giữa các môn đồ ấy, thay vì câu hỏi của mọi người: "vậy Người là ai?" (4,41). Có nhiều câu trả lời khác nhau (6,14-16; 8,27-28). Và mặc dầu các ông không hiểu sâu xa về sứ mạng Chúa Giêsu (6,52; 8,14-21), nhưng các môn đồ cũng đi tới chỗ nhờ miệng Thánh Phêrô, để nhìn nhận Người là Ðức Kitô (8,29). Nhưng Chúa ra lệnh cho các ông phải im lặng (8,30).

2. Từ đó, khởi sự một kỳ giáo huấn mới: Con Người cần trải qua đau khổ, cần chịu chết, rồi phục sinh. Lời giáo huấn ba lần nhắc đi nhắc lại này (8,31-33; 9,30-32; 10,32-34), dẫn độc giả đi tới chỗ Chúa Giêsu chạm trán với đối phương Người tại Giêrusalem (ch. 14 và 15), điều bí mật về Chúa Giêsu không còn che đậy nữa. Lời Người tuyên bố trước tòa Công Nghị lên án tử cho Người (14,61-62) và lời viên đại đội trưởng nói khi Người chịu chết (15,39) đều nối tiếp với lời Ðức Chúa Cha mặc khải, khi Chúa Giêsu chịu thanh tẩy và Biến Hình (1,11; 9,7) và biện minh cho nhan đề cuốn sách: Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, là Con Ðức Chúa Cha (1,1). Giữa hai thời điểm ấy, sự thiếu dè dặt hàm ý không hay của ma quỉ (1,24.34; 3,11) cũng như niềm tin vào Ðấng Thụ Hấn nơi các môn đồ (8, 29), Chúa Giêsu đều bắt phải lặng thinh: vì ý nghĩa các lời ấy không thể xuất hiện, trước khi Chúa Giêsu chịu thương khó và chịu chết.

Tích Thương Khó, chính là tuyệt đỉnh sách này. Không những là tích ấy được chuẩn bị bằng những cuộc xung đột tại Giêrusalem, bằng ba lần loan báo theo sau lời Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin, bằng lời ký nhận ngay từ câu 3,6. Nhưng tích ấy còn giải đáp cho câu hỏi đặt ra, ngay từ hành vi công khai đầu hết của Chúa Giêsu theo Thánh Máccô (1,27) và giúp ta hiểu vì sao sách này nhấn mạnh tới điều quen gọi là bí mật về Ðấng Thụ Hấn (x. 1,34; 1,44; 8,30). Hẳn là sự nhấn mạnh ấy, trong thời kỳ Người sống ở thế gian này, như đã nhìn nhận Người sau khi Người Phục Sinh vinh hiển. Nhưng vì điều bí mật liên quan tới mấy tước hiệu diễn tả lòng tin kitô hữu (1,1; 3,11; 8,29), nên Thánh Máccô hình như muốn chỉ cho ta biết, mấy tước hiệu ấy chưa hợp thời và có thể làm cho người ta chưa nhìn nhận sự thật của chúng, trong cảnh hèn hạ của Chúa chịu đóng đanh thập giá.

C. Chúa Giêsu và các môn đồ

Ngay lúc "bắt đầu" Tin Mừng Thánh Máccô, Chúa Giêsu không xuất hiện một mình, nhưng cùng với các môn đồ, là những người phải tiếp tục công trình đã khởi sự. Ngay từ khi Chúa Giêsu bắt đầu hoạt động công khai ở Galilê, Thánh Máccô đặt ngay việc kêu gọi bốn người chài lưới theo Chúa Giêsu (1,16-20), mà không xét coi sự ấy có thể thật về phương diện thời gian và tâm lý hay chăng. Về sau, Thầy Chí Thánh luôn luôn có các môn đồ đi theo, chỉ trừ khi Người sai các ông đi rao giảng (6,7-30). Người chỉ lẻ loi một mình, trong hồi Thương Khó, sau khi các ông đã bỏ trốn đi. Nhưng trước khi kết thúc, sách này lại hai lần loan báo là các môn đồ sẽ đoàn tụ ở Galilê chung quanh Ðức Kitô Phục Sinh (14,28; 16,7). Chính địa vị dành cho các môn đồ trong suốt bản tường thuật sẽ giúp ta phân biệt nhiều phần khác nhau.

1. Trong giai đoạn đầu của việc Chúa Giêsu tỏ mình ra, ba cảnh làm sáng tỏ sự liên kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa Chúa và các môn đồ: đó là việc kêu gọi bốn ông, để "bắt người như đánh cá (1,16-20), việc chọn nhóm Mười Hai, để sống với Người và để Người sai đi rao giảng (3,13-19) sau hết là chính việc sai các ông đi giảng Tin Mừng (6,7-13). Ba tích này có kèm theo những cái nhìn tổng quát về hoạt động của Chúa Giêsu hay về những phản ứng do Người gây nên (1,14-15; 3,7-12; 6,14-16), dường như người kể truyện cảm thấy cần định vị trí trước khi tiếp tục.

Trong đoạn đầu (1,16-3,6), các môn đồ chưa hoạt động gì bên cạnh Chúa Giêsu, nhưng Người tỏ mình liên đới cới các ông, trước những lời chỉ trích thái độ các ông đối với mấy điều luật do thái (2,13-28). Ðoạn thứ hai (3,7-6,6), thì đối lập các ông với những kẻ thù của Chúa Giêsu, cũng như với họ hàng phần xác của Người (3,20-35) và phân biệt các ông với quần chúng, vì các ông được giáo huấn cách riêng biệt (4,10-25.33-34) và được đặc ân chứng kiến mấy phép lạ diệu kỳ (4,35-5,43). Việc đoạn tuyệt với Nadarét chuẩn bị cho đoạn thứ ba (6,7-8,30), trong đó nhóm Mười Hai được sai đi rao giảng, được xuất hiện theo tư cách là "sứ đồ" (6,30), được ủy nhiệm cho việc nuôi quần chúng (6,34-44; 8,6). Tuy nhiên, các môn đồ đón nhận những điều mặc khải vượt quá khả năng mình (6,45-52; 7,17-23). Sự các ông không hiểu, trước đây đã bị khiển trách nhân dịp các dụ ngôn (4,13), nay lại càng trở nên dày đặc hơn (6,52; 7,18; 8,14-21). Việc chữa một người mù vào cuối đoạn này (8,22-26), có giá trị nêu gương mẫu đối với các ông (x. 8,22).

2. Sau khi Thánh Phêrô tuyên xưng Ðấng Thụ Hấn, mỗi lần trong ba lần loan báo cuộc Tử Nạn Phục Sinh, các môn đồ đều không hiểu và kéo theo những lời tuyên bố thành thực mà gắt gao về số phận cá nhân (8,34-38) và cộng đoàn (9,33-50; 10,35-45) của những người phải vác thập giá mình mà theo Chúa Giêsu. Tuy có lần dân chúng hay những người khác với môn đồ, xuất hiện trên sân khấu, nhưng Chúa Giêsu lại chính yếu nói với môn đồ hoặc giải thích riêng cho các ông các điều Người đòi hỏi (9,28-29; 10,10-16; 10,23-31). Luôn luôn đi từ Thầy Chí Thánh tới môn đồ, và đối với mỗi ông thì đi từ tự ý hạ mình tới vinh quang đã hứa. Nhưng trong khi Chúa Giêsu muốn liên kết mấy ông vào với số mệnh của Người, thì các ông vẫn không hiểu. Ðoạn này lại kết thúc bằng việc chữa một người mù, rồi người ấy đi theo Chúa Giêsu (10,46-52).

Hai đoạn tiếp theo (ch. 11-13 và 14-16) bày tỏ Chúa Giêsu liên hệ với đám đông, với các đối phương Người, với những thẩm phán Người. Năng gặp thấy những lần đàm đạo quan trọng với các môn đồ. Chúa Giêsu dạy cho các ông hiểu năng lực của đức tin và của lời cầu nguyện (10,20-25), nhắn nhủ các ông về cách ăn ở khi Con Người quang lâm (13,1-37), soi sáng cho các ông hiểu ý nghĩa cái chết của Người trong khi đợi chờ Nước Chúa (14,22-25), báo trước cho hay các ông sẽ bỏ Người (14,26-31), bảo các ông coi chừng cơn cám dỗ (14,37-40). Nhưng việc các ông bỏ trốn tại vườn Giếtsêmani và mấy lần Phêrô chối Thầy, đánh dấu sự thất bại của các ông trong việc đi theo Chúa Giêsu. Tuy nhiên, như thế chưa phải là hết cả, vì khi phục sinh rồi, Chúa Giêsu sẽ đi trước môn đồ sang xứ Galilê (14,28; 16,7).

Sự nhấn mạnh tới việc các môn đồ chậm tin, liên tục không hiểu và vắng mặt trong giờ thực sự hoàn thành việc mặc khải Ðức Kitô là Con Ðức Chúa Cha, chắc chắn là đáp ứng theo một ý định đã suy nghĩ trước. Vì đã nhìn nhận vai trò các ông phải tiếp nối Tin Mừng, thì không thể nghĩ đó là chú tâm trực tiếp công kích các môn đồ tiên khởi của Chúa Giêsu. Vì lòng tin vào Chúa Giêsu chỉ phát triển sau khi Người Phục Sinh, nên Thánh Máccô đã có thể coi đời sống của Người khi còn ở thế gian này, như thời kỳ mặc khải thật sự, nhưng cách dè dặt mà thôi, vì cần giữ bí mật, và một cách hạn chế, vì các môn đồ không hiểu. Sự không hiểu này lại làm nổi bật lên một cách nghịch thường, chính huyền nhiệm Chúa Giêsu, là điều không thể nào nhận thức được, nếu không nhờ lòng tin vào Chúa Phục Sinh.

Sự không hiểu ấy, lại có giá trị kiểu mẫu cho lòng tin nơi kitô hữu, vì lòng tin này luôn luôn dễ bị chậm trể như lòng tin các môn đồ, đối với các điều Ðức Chúa Cha mặc khải. Thánh Giá vẫn là điều vấp phạm. Muốn thật sự công bố và đón nhận Tin Mừng chân chính, không những cần phải trung thành với các lời tuyên xưng đức tin, lại còn phải sống trung thực theo chân Chúa Giêsu nữa. Chỉ có một cách từ từ và cam go tập sống theo số phận môn đồ của Chúa Giêsu mới có thể giúp ta dần dần hiểu biết Huyền Nhiệm của Người.

 

Cách thế Thánh Máccô

Người ta thích ca tụng Thánh Máccô, vì có tài kể truyện. Ngữ vựng nghèo (trừ khi nói những gì cụ thể và ghi những phản ứng do Chúa Giêsu gây nên), câu văn rời rạc, các động từ lại chia mà không lo cho các thì tương ứng với nhau: chính những cái vụng về này lại giúp cho câu chuyện linh động thêm và gần với loại văn nói. Tuy nhiên, bên dưới chi tiết "sống động" thường thấy xuất hiện đường nét quá sơ lược, chứng tỏ là tài liệu đã trở nên tập truyền rồi hay là đã được nắn đúc theo công dụng các cộng đoàn. Khi người kể truyện làm cho cảnh trí sống lại, thì không phải cung cấp tờ biên bản ngây thơ của một quan sát viên trực tiếp đâu. Ðàng khác, sự thiếu hẳn mọi chỉ dẫn về thời gian phần nào liên tiếp, sự dửng dưng với tâm lý các nhân vật, hình ảnh đúc sẵn về đám đông: bấy nhiêu yếu tố không cho phép ta đọc Phúc Âm này như một cuốn tiểu sử thường nói về Chúa Giêsu. Nhưng, mặc dầu không tốn công làm văn chương, nhưng Thánh Máccô rất có tài gợi lên bức chân dung linh động của một con người nghịch hẳn với các hình ảnh đúc sẵn, vì nêu bật lên những phản ứng không ngờ, lòng cảm thương hay tính cộc cằn, sự ngạc nhiên hay lời quả quyết. Tất cả tâm hồn con người ấy trút vào một cái nhìn, nhưng cái nhìn này có thể chất chứa thịnh nộ hay nhân từ (3,5.34), cật vấn hay lưu ý thiết tha (5,32; 11,11), tình thắm thiết (10,21), sự uy nghiêm đượm vẻ u buồn hay thanh thản (10,23.27). Ðứng trước con người ấy, mọi thái độ đều có thể được, từ kinh hoàng cho tới ngạc nhiên, từ nghi ngờ cho tới quyết định giết đi, và đối với môn đồ, thì đi từ quyến luyến không lý luận cho tới sự không hiểu và bỏ rơi.

 

Nguồn gốc sách này

Ngay vào khoảng năm 150, ô Papia, giám mục thành Hiarapoli chứng nhận Phúc Âm thứ hai do Thánh Máccô, là "thông ngôn" của Thánh Phêrô, viết. Có lẽ sách này đã biên soạn ở Rôma, sau khi Thánh Phêrô qua đời (tự ngôn chống Mácxiôn thế kỷ thứ 2 và Thánh Irênê) hoặc đang khi Thánh Phêrô còn sống (theo ô. Cơlêmen Alécxanđi). Còn Thánh Máccô, thì người ta coi là chính ông Gioan Máccô, gốc tại Giêrusalem (Cv 12,12), bạn đường với Thánh Phaolô và Banabê (Cv 12,25; 13,5.13; 15,37-39; Co 4,10), rồi với Thánh Phêrô tại "Babylon" có lẽ là Rôma theo 1P 5,13.

Ý kiến chung chung công nhận sách này xuất phát ở Rôma, sau cuộc bắt bớ của vua Nêrô vào năm 64. Mấy chữ la tinh hi lạp hóa và nhiều kiểu nói la tinh có thể dùng làm dấu chỉ. Ít nữa là sự chăm lo giải thích các phong tục Do Thái (7,3-4; 14,12; 15,42), phiên dịch các chữ Aram, nhấn mạnh tới ảnh hưởng Tin Mừng đối với dân ngoại (7, 27; 10,12; 11,17; 13,10) giả thiết là sách dành cho các người không phải Do Thái sống ngoài xứ Palêtin. Còn sự nhấn mạnh tới việc vác thập giá mình để theo chân Chúa Giêsu, điều ấy có thể bao hàm tính đặc biệt hiện thời, trong một cộng đồng đang bị vua Nêrô bắt bớ. Ðàng khác, trong Thánh Máccô có loan báo việc phá hủy Ðền Thờ, mà không ám chỉ rõ ràng cách thế xảy ra các biến cố năm 70 (khác với Mt 22,7 và Lc 21,20), nên không có gì ngăn trở việc sắp xếp ngày tháng biên soạn Phúc Âm thứ hai vào giữa năm 65 và 70.

Mối tương quan sách này với giáo huấn của Thánh Phêrô, thì khó xác định hơn. Kiểu nói ô. Papia (thông ngôn của Thánh Phêrô), không được rõ ràng. Nhưng địa vị dành cho Thánh Phêrô trong sách là cái ủng hộ giả thuyết tập truyền Thánh Phêrô, mạnh mẽ hơn các chi tiết mô tả bao hàm dáng vẻ chứng từ của người mắt thấy tai nghe. Trong nhóm Mười Hai, chỉ có ông Giacôbê và Gioan là nổi bật lên, hình như có ý bảo đảm cho lời chứng của Thánh Phêrô. Song không vì thế mà phỉnh nịnh ngài. Nhưng nếu ngài không có luôn luôn đóng vai trò tốt đẹp, thì đó không phải là dấu chỉ muốn công kích ngài đâu.

Vì thế, vấn đề nguồn tài liệu Thánh Máccô đã dùng vẫn còn y nguyên. Các phê bình gia tưởng tượng các nguồn ấy theo những cách khác nhau. Việc so sánh với Thánh Mátthêu và Luca khiến họ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Thánh Máccô đối với nguồn gốc hai Phúc Âm kia, hay giả thiết là, ngay trước Thánh Máccô, đã có sẵn một tổng hợp đầu tiên của tập truyền về Chúa Giêsu rồi. Dù theo giả thuyết nào, việc biên soạn Phúc Âm Thánh Máccô cũng cho ta đoán biết một giai đoạn trước của tập truyền, trong đó các việc làm và lời nói của Chúa Giêsu đã được lưu truyền, ma chưa thấy trình bày tổng quát về đời sống hay giáo huấn của Người. Tích Thương Khó, hẳn là phải xuất hiện ban đầu như một chuỗi truyện gồm nhiều cảnh. Những gom góp sơ lược, như "ngày sống tại Caphnaum" (1,21-38) hay mấy cuộc tranh luận ở 2-3,6, đã có thể thành hình rất sớm và có mặt trong các nguồn tài liệu của Thánh Máccô.

Một vấn đề khác chưa giải quyết: cuốn sách này kết thúc làm sao? Thường thường người ta công nhận là phần kết hiện thời 16,9-20, đã thêm vào sau, để điều chỉnh lại phần kết sách xem ra quá đột ngột ở c.8 (x.16,9). Nhưng sẽ không bao giờ ta biết được phần kết nguyên thủy sách này bị mất hay là Thánh Máccô lại nghĩ rằng lời qui chiếu ở c.7 vào tập truyền những cuộc hiện tại Galilê đã đủ kết thúc bản tường thuật của ngài.

 

Tầm quan trọng sách này

Thánh Máccô đối với chúng ta, vẫn là mẫu đầu tiên ta biết được về loại văn gọi là Phúc Âm hay Tin Mừng. Ðối với việc dùng trong Giáo Hội, người ta thường thường lấy Phúc Âm của Thánh Mátthêu và Luca làm hơn sách ấy, vì hai cuốn này, tuy là những tổng hợp đến sau này, nhưng có nội dung rộng rãi hơn nhiều. Những nghiên cứu văn chương và lịch sử thuộc thế kỷ 19 và 20 đã phục hồi giá trị cho Phúc Âm thứ ba. Ngày nay người ta khước từ, không còn muốn xây dựng một cuốn tiểu sử Chúa Giêsu căn cứ nguyên vào những cảnh do Thánh Máccô ghi lại. Tuy nhiên, sự thô sơ, thiếu sửa soạn, sự dồi dào thành ngữ sêmít, tính đơn giản của suy tư thần học, đều chỉ cho thấy tình trạng cổ sơ của những tài liệu ngài xử dụng. Các nhân vật và nơi chỗ có nhắc đến tên trong sách, đều là xuất phát từ những tập truyền cổ kính. Các lời giáo huấn của Chúa Giêsu, việc nhấn mạnh tới sự Nước Chúa đã gần, các dụ ngôn, các cuộc tranh luận, các lần trừ quỉ, tất cả bấy nhiêu chỉ tìm được vị trí lịch sử phát sinh của chúng trong đời sống của Chúa Giêsu tại Palêtin. Những kỷ niệm không xuất phát trực tiếp từ một trí nhớ cá nhân. Chúng đã thành định thức, trước tiên là để đáp ứng nhu cầu loan bao Tin Mừng, giảng dạy giáo lý, cử hành phụng tự trong các giáo đoàn, nên chúng ăn rễ sâu vào chứng từ của các môn đồ tiên khởi.

Công nghiệp của Thánh Máccô là làm cho chúng trở nên cố định, trong lúc đời sống các giáo đoàn lan truyền ra bên ngoài xứ Palêtin, và suy tư thần học được kích thích nhờ gặp gỡ các nền văn hóa ngoại lai, nên liều mình mất liên lạc với những nguồn gốc Tin Mừng. Ngài đã thành công trong việc gìn giữ cho sống động, không thể xóa nhoà, cái nhìn vào một đời sống đầy biến động, khó lòng hiểu cho thấu đáo. Vậy con người ấy là ai? Trước câu hỏi đó, Thánh Máccô ghi lại câu trả lời của các tín đồ tiên khởi, cũng là hàng chứng tá đầu tiên. Nhưng đối với ai chỉ bằng lòng nhắc lại câu trả lời ấy mà thôi, thì Thánh Máccô lại mở ra câu hỏi đó và nhắc cho ta nhớ rằng: đức tin muốn được rèn luyện trung kiên, thì phải dấn thân theo gót Chúa Giêsu là Ðấng luôn luôn tác động nhờ qua Tin Mừng ở giữa loài người chúng ta.

Bài trước  Mục Lục  Bài kế tiếp

Thiết kế bởi Nguyễn Đức Khoan