TIN MỪNG THEO THÁNH Lu-ca (Trích 0:1-1)
Dẫn nhập |
Tự ngôn sách thứ nhất Thánh Luca Trong bốn cuốn Phúc Âm, chỉ có cuốn Thánh Luca là bắt đầu bằng một tự ngôn, theo kiểu nhiều sách hi lạp đương thời. Tự ngôn này cống hiến cho ông Thêôphilê, hình như là nhân vật quan trọng. Sách Công Vụ cũng bắt đầu bằng một tự ngôn, cống hiến cho cùng một nhân vật và nhắc lại cuốn thứ nhất, trong đó tác giả tường thuật về "mọi điều Ðức Giêsu đã làm và giảng dạy" (Cv 1,1-2). Do đó, ngay từ Hội Thánh cổ thời, người ta đã kết luận là Phúc Âm và Công Vụ đều do cùng một tác giả. Khoa phê bình hiện đại đã kiện chứng cho điều nhận xét ấy, căn cứ trên sự đồng nhất về ngôn ngữ và tư tưởng, cũng như sự cân đối về ý định của hai cuốn sách này. Phúc Âm thì nêu rõ việc Ðức Giêsu lên thành Giêrusalem, là nơi hoàn tất huyền nhiệm Vượt Qua, tức là cuộc Tử Nạn Phục Sinh của Ðức Kitô, còn Công Vụ thì tường thuật việc rao giảng huyền nhiệm này, khởi sự từ Giêrusalem mãi cho tới tận cùng trái đất (Cv 1,8). Trong tự ngôn Phúc Âm, Thánh Luca loan báo đề tài, phương pháp và mục tiêu tác phẩm mình. Ông sắp trình bày "những biến cố" sẽ là khởi điểm cho lời giảng Hội Thánh. Ông đã tìm tài liệu kỷ lưỡng về tập truyền các chứng nhân tiên khởi và sắp trình bày cho "thứ tự lớp lang". Như vậy, ông Thêôphilê sẽ gặp thấy một tường thuật vững chắc về các sự kiện người ta đã nói với ông. Thế là Thánh Luca tự giới thiệu theo cách một sử gia. Ông theo thói quen của các nhà viết sử đương thời (x. niên biểu ở 3,1-2). Nhưng lịch sử ông muốn trình bày là lịch sử thánh. Ý định cốt yếu của ông là tỏ bày ý nghĩa các biến cố xảy ra đối với đức tin: một niềm tin đã được sáng tỏ nhờ Huyền Nhiệm Phục Sinh và đời sống Hội Thánh. Sách này là một Phúc Âm, một cuốn Tin Mừng.
Lịch sử cứu độ trong việc cấu tạo Phúc Âm Phúc Âm Thánh Mátthêu và Thánh Máccô: tiểu dẫn, việc Ðức Giêsu rao giảng tại xứ Galilê, sự Người lên thành Giêrusalem, việc Người hoàn tất sứ mạng mình trong thành ấy, bằng cuộc Tử Nạn Phục Sinh. Nhưng kết cấu của Thánh Luca đã làm kỹ lưỡng, nhắm vào mục tiêu làm nổi bật lên trong thiên lịch sử này, các thời kỳ và nơi chốn của lịch sử cứu độ. 1. Tiểu dẫn (1,5-4,13) gồm hai mục rất khác nhau. Mấy tích truyện hài nhi (1,5-2,52) là riêng cho Thánh Luca. Chúng triệt để đối chiếu ông Gioan Tẩy Giả với Ðức Giêsu, mà nêu rõ ông Gioan tùy thuộc vào Ðức Giêsu. Nhất là chúng trình bày huyền nhiệm Ðức Giêsu thành một chuỗi sứ điệp siêu nhiên, công bố Người được chịu thai bởi phép Thánh Linh, Người là Ðấng Thánh và là Con của Ðức Chúa Cha (1,35), là Vị Cứu Thế và là Chúa Kitô (2,11), là ơn Cứu Ðộ Chúa Cha ban xuống và là Ánh Sáng cho dân ngoại (2,30-32). Thế mà Người vẫn bị khối dân mình từ chối (2,34). Ngay tại ngưỡng cửa Phúc Âm, trước khi chầm chậm bày tỏ huyền nhiệm như phần tiếp theo trong sách sẽ tường thuật, mấy điều mặc khải đó làm thành một tự ngôn về Ðức Kitô,sánh được với tự ngôn của Phúc Âm Thánh Gioan (G 1,1-18). Mục giáo đầu sứ mạng (3,1-4,13) thì, cũng như trong Phúc Âm Thánh Mátthêu và Thánh Máccô, gồm có sứ mạng Thánh Gioan Tẩy Giả, việc thanh tẩy Ðức Giêsu và việc Người bắt đầu chiến thắng tên cám dỗ. Nhưng Thánh Luca phân biệt rõ ràng thời kỳ Thánh Gioan thuộc về Cựu Ước, và thời kỳ Ðức Giêsu (3,20); ông nhấn mạnh tới việc Chúa Cha tấn phong Con của Ngài làm Ðấng Thụ Hấn, sau khi thụ tẩy (3,22); ông sắp ở đây gia phả Ðức Giêsu và cho lần lên mãi tận tổ tông Ađam, để đánh dấu sự Ðức Giêsu liên hệ với toàn thể nhân loại (3,23-38); sau hết, mấy tiếng cuối cùng trong tích truyện cám dỗ, đã loan báo cuộc chiến tranh quyết liệt trong hồi Tử Nạn (4,13). 2. Phần thứ nhất sứ mạng Ðức Giêsu (4,14-9,50) hoàn toàn xảy ra tại xứ Galilê (x. 23,5; Cv 10,37), khác với Mt 15,21; 16,13 và Mc 7,24-31; 8,27, Thánh Luca mở đầu bằng cảnh Ðức Giêsu rao giảng trong Hội Ðường Nadarét (4,16-30), là cái điển hình trước cho tất cả phần tiếp theo của Phúc Âm. Ðó là việc loan báo ơn cứu độ căn cứ trên Kinh Thánh và do Thánh Linh cảm hứng, việc ám chỉ ơn cứu dân ngoại giáo và sự các người đồng hương từ chối Ðức Giêsu và toan tính giết Người. Rồi tường thuật tiếp sứ mạng của Người, ghi các hành vi (nhất là các phép lạ) và lời nói của Người, dẫn các môn đồ tới gặp gỡ bản thân Người đợt nhất. Mục đầu tiên (4,31-6,11) theo gần sát thứ tự Thánh Máccô 1,16-3,6, trình bày Ðức Giêsu đối diện với đám đông, với các môn đồ tiên khởi, với các đối phương, trong những phép lạ và những cuộc tranh luận. Mục thứ hai (6,12-7,52) không có trong Thánh Máccô, nhưng Thánh Mátthêu thì có những khúc song song rải rác: mở đầu là kêu gọi nhóm Mười Hai, rồi trình bày nhất là lời Ðức Giêsu giảng dạy các môn đồ, trong bài giảng Chân Phúc. Mục thứ ba (8,1-9,50) lại gặp tường thuật Thánh Máccô 4,1-9,40 (nhưng không có khúc song song với Mc 6,45-8,26), liên kết chặt chẽ nhóm Mười Hai vào sứ mạng Ðức Giêsu. Ngay từ 8,1 đã nhắc đến tên các ông. Rồi bài giảng dụ ngôn phân biệt các người nghe Ðức Giêsu thành hai nhóm: một là những kẻ chỉ có dụ ngôn, hai là những kẻ được "cho biết các điều huyền nhiệm Nước Chúa" (8,10). Những phép lạ mới dành cho các môn đồ, khiến các ông đặt câu hỏi: "Vậy Người là ai?" (8,25). Bấy giờ nhóm Mười Hai được sai đi công bố Triều Ðại Nước Chúa (9,1-6) và tích cực thông phần vào việc làm cho bánh nên nhiều (9,12). Sau hết, Ðức Giêsu có thể bắt các ông tuyên xưng về Người, và Thánh Phêrô nhìn nhận Người "là Ðức Kitô Chúa Trời sai phái" (9,20). Lời đầu tiên diễn tả huyền nhiệm Ðức Giêsu này, đã được bổ túc thêm liền: do chính Thầy Chí Thánh tự xưng Người là Ðấng Thụ Hấn dành cho Tử Nạn (9,22), rồi do chính Chúa Cha, trong cảnh vinh quang Hiển Biến, công bố Ðức Giêsu là Con Ưu Ái (9,35). 3. Cuộc lên thành Giêrusalem (9,51-19,28), là phần độc đáo nhất trong cấu tạo của Thánh Luca. Nhiều tài liệu của ông, ta gặp thấy rải rác đó đây trong Thánh Mátthêu và một số ít trong Thánh Máccô, nhưng chỉ có Thánh Luca trình bày chúng trong khuôn khổ một cuộc hành trình. Cuộc hành trình ấy mở đầu bằng một câu long trọng định hướng cho bước tiến của Ðức Giêsu theo biến cố vượt qua. Người sắp sửa hoàn thành (9,51). Thầy Chí Thánh lên đường đi Giêrusalem, là Thành Thánh nơi cần thể hiện ơn cứu độ loài người. Hai lần nữa Thánh Luca nhắc tới Thành Thánh ở 13,22 và 17,11, có thể phân chia phần này ra ba mục. Nhưng sự phân chia này có vẻ hình thức mà thôi, vì ba mục này đối với nhau không có tuân theo trắc đồ (10,13-15 và 13,31-33 hình như định vị trí ở Galilê; còn 13,34-35 giả thiết là Ðức Giêsu đã rao giảng tại Giêrusalem rồi). Ðó chỉ là một khuôn khổ hành văn giả tạo, giúp Thánh Luca gom góp các tài liệu và đặt chúng vào trong ánh sáng của việc hoàn tất huyền nhiệm Vượt Qua. Suốt cả phần này, lời Ðức Giêsu giảng dạy và khuyên nhủ, nổi bật hơn các phép lạ và sự trình bày về huyền nhiệm Ðức Kitô (nhưng phải trừ 10,21-24; 12,49-50; 18,31-33 và 19,12-15). Thầy Chí Thánh luôn luôn nói với Iraen; cuộc chạm trán giữa Người với Biệt Phái và thông giáo thật là nghiêm khắc (11,37-52); Người kêu gọi dân chúng ăn năn trở lại (12,51-13,9) và suy xét về việc họ khước từ 13,23-35; 14,16-24). Nhất là Người quay về phía các môn đồ Người, để xác định sứ mạng các ông (9,52-10,20), để kêu mời các ông cầu nguyện (11,1-13) và từ bỏ (12,22-34. 51-53; 14,26-33; 16,1-13; 18,28-30). Một phần lớn những giáo huấn dành cho môn đồ, đều xét tới hoàn cảnh Ðức Giêsu không còn hiện diện giữa các ông nữa. Ðó là điều tương ứng với viễn ảnh cuộc hành trình, tức là việc Ðức Giêsu "được cất lên") (9,51). Khi Ðức Giêsu đi rồi, sẽ tới thời kỳ các môn đồ phải cầu xin Thánh Linh (11,13), phải tuyên xưng Thầy mình trước mặt người ta (12,1-12), phải chờ đợi Người trở lại (12,35-40; 17,22-18,8; 19,11-27), phải chăm sóc anh em mình trong các cộng đoàn (12,41-48). Ở 18,15, tường thuật Thánh Luca lại đi song song với tường thuật của Thánh Mátthêu (19,15) và Thánh Máccô (10,13). Nhưng cuối cùng Thánh Luca lại thêm tích truyện cứu thoát ông Giakêu và nhất là dụ ngôn yến bạc (19,1-10.11-27). Trong biên soạn Thánh Luca, dụ ngôn này chuẩn bị cho cuộc chạm trán bi ai giữa dân thành Giêrusalem và Ðức Vua họ sắp từ khước không muốn nhìn nhận (x. 19,11). 4. Phần thứ ba sứ mạng Ðức Giêsu (19,29-24,53) kể lại việc hoàn tất ơn cứu độ tại Giêrusalem và khiến cho đô thành thay mặt Iraen, để đối diện với Ðức Giêsu trong bi kịch Thánh Giá. Thánh Luca đánh dấu mạnh mẽ điểm này, trong cảnh đầu hết Ðức Giêsu vào thành Giêrusalem. (19,29-48): Thầy Chí Thánh tự giới thiệu là Vua (c. 35-38); Người than khóc đô thành sắp từ chối không nhận Người ngự đến làm Vua (c. 41-44); Người tỏ quyền bính Người ở trong Ðền Thờ, mà đuổi các người buôn bán ra ngoài và giảng dạy mỗi ngày trong đó (c. 45-48). Việc mặc khải Ðức Giêsu tại Giêrusalem gồm ba mục giống như Thánh Mátthêu và Thánh Máccô, nhưng Thánh Luca đem vào đó những sắc thái riêng của mình. Lời giảng dạy trong Ðền Thờ (20-21) kết thúc bằng lời loan báo việc phán xét thành Giêrusalem và việc Con Người ngự đến. Thánh Luca hướng mấy lời loan báo này tới toàn thể dân Iraen (x.21,5.20). Tích truyện Tử Nạn (22-23) theo cũng một lược đồ như mấy Phúc Âm kia; nhưng tường thuật về Tiệc Thánh kéo dài thêm bằng những lời giảng dạy nhóm Mười Hai, về vai trò làm tôi tá và sự cao trọng của các ông trong Nước Chúa sau này, và về hoàn cảnh mới sẽ xảy đến cho các ông, khi Thầy các ông đi rồi (22,24-38). Các đau khổ Ðức Giêsu làm nổi bật lên sự Người là Ðấng công chính và là gương mẫu hi sinh tuyệt vời để làm chứng cho sự thật. Trong cảnh hèn hạ của Ðấng Thụ Hấn, Vương Quyền Người đã hiện diện cách vững vàng (x. 22,69; 23,37). Các tích truyện Phục Sinh (24), tất cả đều xảy ra tại Giêrusalem. Không thấy nhắc đến cổ truyền về những cuộc hiện ra ở Galilê (Mt 26,32; 28,7.10.16-20; Mc 14,28; 16,7; G 21), hẳn là vì muốn duy trì sự cân đối với sách Công Vụ. Các tích truyện này giải thích Tử Nạn là huyền nhiệm Chúa Cha đã muốn, để dẫn Ðức Kitô vào sự vinh quang của Người (c. 26) và chứng minh rằng thánh ý Chúa Cha đây, chính Ðức Giêsu đã loan báo trước (c. 7) và đã được ghi vào Thánh Kinh (c. 25-27. 44-46). Sau hết, Ðức Giêsu hiện ra với nhóm Mười Một, để đánh tan sự các ông còn nghi nan (c. 36-43) và giao cho các ông sứ mạng làm chứng tá (c. 47-49). Sách kết liễu bằng tích truyện thứ nhất về việc Thăng Thiên (c. 51) tỏ ra Ðấng Phục Sinh có quyền Chúa Tể (x. Cv 2,36). Thế là toàn thể Phúc Âm đều chứng minh sự mặc khải tiệm tiến về Huyền Nhiệm Chúa Giêsu và những người sẽ phụ trách việc rao truyền sứ điệp ấy đã chầm chậm đi vào Huyền Nhiệm của Người.
Thời kỳ Ðức Giêsu với thời kỳ Hội Thánh 1. Vì Thánh Luca muốn dành cuốn sách thứ hai cho việc các tông đồ rao giảng, nên ngài có thể đánh dấu rõ rệt hơn Thánh Mátthêu và Thánh Máccô, những dị biệt giữa thời kỳ Ðức Giêsu với thời kỳ Hội Thánh. Phúc Âm ngài chứng minh hành động của Ðức Giêsu đã dành riêng cho một mình Iraen. Hẳn thật ngài có nêu mục tiêu phổ thế của sứ điệp cứu độ, nhưng vẫn luôn luôn dùng các lời loan báo về tương lai (2,32; 3,6; 13,29; 14,16-24), hoặc dùng các hình ảnh tượng trưng (3,23-38; 4,25-27; 7,9; 8,39; 10,1; 17,11-19). Chính vì chỉ có một mình Chúa Phục Sinh mới ra lệnh sai đi truyền bá Tin Mừng cho dân ngoại (24,47-48). Việc sai đi này, những người mang sứ điệp sẽ hoàn tất nhờ hồng ân của Thánh Linh (24,49; x. 12.12). Nhưng trong Phúc Âm, thì Ðức Giêsu đã chịu thai bởi phép Thánh Linh (1,35), chính là Ðấng duy nhất hành động nhờ quyền lực của Thánh Linh này (3,22; 4,1.14.18; 10,21). Trong mấy tích truyện hài nhi, ông Simêon loan báo việc "nhiều người trong Iraen sẽ khươc từ Ðức Giêsu (2, 34-35). Việc khước từ này thể hiện lần lần trong suốt cả Phúc Âm, nhưng chưa hoàn tất trọn vẹn bằng Thánh Giá (x. 23,34), bởi vì sau ngày Linh Giáng, các Tông Ðồ sẽ còn kêu gọi người Do Thái tại Giêrusalem ăn năn trở lại và lãnh ơn cứu độ. 2. Khi đánh dấu rõ rệt đến thế sự phân biệt giữa thời kỳ Ðức Giêsu với thời kỳ Hội Thánh, Thánh Luca muốn làm sáng tỏ các giai đoạn của công trình Chúa Cha trong lịch sử. Nhưng cách trình bày các biến cố như vậy không bao giờ làm cho Thánh Luca quên rằng: ơn cứu độ, Chúa Cha đã ban dứt khoát một lần nơi Ðức Giêsu Kitô. Ngay từ đầu Phúc Âm, ngài đã nhấn mạnh tới ngày hôm nay của ơn cứu độ (2,11; 3,22; 4,21; x. 5,26; 19,9; 23,43). Vì ngay từ giây phút đầu tiên, Ðức Giêsu đã là Con của Ðức Chúa Cha (1,35), là Ðấng Cứu Thế (2,11; x. 1,69.71.77; 2,30; 3,6), là Chúa Tể (2,11; x. 7,13 chú giải về sự Thánh Luca nhấn mạnh tới việc xưng hô Ðức Giêsu là Chúa); và lời Người rao giảng bắt đầu bằng sứ điệp cứu độ gởi đến cho người nghèo khó và bé mọn, là những người được ơn ấy đặc biệt dành riêng cho (4,18; x.7,22; 10,21). Khi mô tả thời kỳ Ðức Giêsu, Thánh Luca đã nghĩ tới Hội Thánh. Ngài gọi nhóm Mười Hai là Tông Ðồ, cách thường xuyên hơn Thánh Mátthêu và Thánh Máccô (x. 6,13). Ngài nghĩ tới trách nhiệm các vị ấy trong các cộng đoàn (9, 12; 12,41-46; 22,14-38) và tới những người phụ tá trong sứ mạng các tông đồ (10,1; x. 8,2-3,39). Hơn nữa, trong giáo huấn Ðức Giêsu, ngài lo lắng chứng minh về luật sống "mỗi ngày" cho các môn đồ (9, 23; 11,3; 17,4). Ngài nhấn mạnh tới sự ăn năn trở lại lúc đầu (5,32; 13,1-5; 15,4-32, và nhất là trong mấy cảnh 7,36-50; 19,1-10; 23,39-43), tới đưc tin (1,20.45; 7,50; 8,12-13; 17,5-6; 18,8, 22,32; 24,25) sẽ cần biểu lộ ra trong việc tuyên xưng Chúa (12,2-12; 21,12-19), tới kinh nguyện (11,1-13; 18,1-8; 21,36; 22,40-46) theo gương nhắc đi nhắc lại của Ðức Giêsu (x. 3,21), tới đức thương yêu mà ngài cho là bài học cốt yếu trong bài giảng dạy các môn đồ (6,27-42; x. 10,25-37; 17,3-4). Ngài năng đề nghị diễn tả lòng yêu thương bằng việc chia sẻ cho người nghèo (x. 11,41), là cái đồng thời còn thể hiện lý tưởng ngài muốn từ bỏ tiền bạc nữa (x. 5.11; 14,33). Các đòi hỏi này thật khắt khe, thế mà niềm vui lại nổ vang trong Phúc Âm này hơn mọi cuốn khác: trước mấy lời báo tin cứu độ (1,14.28.41.44; 6,23; 8,13), trước những tỏ bày ơn ấy trong việc Ðức Giêsu xuất hiện (1,47; 2,10), khi thấy các phép lạ Ðức Giêsu làm (10,17; 13,17; 19,37), khi đón rước sứ điệp (10,21) và khi tội nhân ăn năn trở lại (15; 19,6), khi Chúa Phục Sinh (24,52): thật ơn cứu độ Chúa Cha chính là tiếng kêu gọi phải vui mừng. 3. Ðức Giêsu đã loan báo sự Người đến trong ngày tận thế và Thánh Luca duy trì viễn ảnh này cho cuối thời kỳ Hội Thánh (12,35-48; 17,22-37; 18,8; 19,11,27; 21,5-36): nhưng sự ngài nhấn mạnh tới ơn cứu độ hiện thời, tới quyền Chủ Tể Ðức Giêsu Phục Sinh vinh hiển, tới tác động Thánh Linh ở trong Hội Thánh có làm giảm bớt nơi ngài, cái đà căng thẳng vươn tới ngày Quang Lâm sắp đến (x. 17,23). Niềm cậy trông của ngài hoàn toàn thấm thía niềm vui về ngày hôm nay của ơn cứu độ. Việc phá hủy thành Giêrusalem, ngài loan báo nhiều lần trong Phúc Âm thứ ba (x. 19,27) đã mất đi nơi ngài đặc tính chung của nó; việc ấy chỉ còn là một biến cố lịch sử, là hình phạt những người lãnh trách nhiệm giết Ðức Giêsu.
Công trình văn chương của Thánh Luca Thánh Luca lợi dụng trong Phúc Âm ngài, nhiều tài liệu chung với Thánh Mátthêu và Thánh Máccô, nhưng cũng có nhiều yếu tố riêng của ngài (x. tiểu dẫn vào Phúc Âm Nhất lãm tr. 70). Các tài liệu này gồm nhiều thứ rất khác nhau. Ðó là những tích truyện, như mấy tích hài nhi (1-2), mấy phép lạ (7,1-17; 13,10-17; 14,1-6; 17,12-19), những cảnh ăn năn trở lại (7,36-50; 19,1-10; 23,40-43), những lần vua Hêrođê can thiệp (13,31-33; 23,8-12; x. 8,3), mấy cuộc hiện hình sau Phục Sinh (24,13-35.36-53)..., những lời giáo huấn, và nhất là một chuỗi dụ ngôn: người Samari nhân lành (10,30-37), người bạn cần đánh thức (11,5-8), người giàu mà dại (12,16-21), cây vả không trái (13,6-9), kẻ xây nhà và ông vua đi đánh giặc (14,28-33), đồng bạc tìm lại được (15,8-10), tình hiền phụ bao la của Ðức Chúa Cha (15,11-32), người quản lý tinh khôn (16,1-8) người giàu có và ông Ladarô (16,19-31), tôi tớ chỉ làm phận sự của mình (17,7-10), quan xét khiến người ta phải xin mình (18,1-8), người Biệt Phái và người thu thuế (18,9-14). Người ta thường ghi chú những nét tương đồng giữa Phúc Âm Thánh Luca và Thánh Gioan. Ở đây không phải là những bản văn liên tiếp cho bằng toàn bộ những nét chung nhau (có nêu rõ phần chú giải Thánh Luca): những nhân vật như tông đồ Giuđa, chị em bà Mátta và Maria, Thượng Tế Anna, mối liên lạc giữa phép lạ đánh cá được nhiều và việc tấn phong Thánh Phêrô, gán cho Satan việc ông Giuđa nộp Thầy, Ðức Giêsu tâm sự với nhóm Mười Hai sau bữa Tiệc Ly, lời Ðức Giêsu tuyên bố với các nhà cầm quyền Do Thái Người là Ðấng Kitô, việc quan Philatô nhìn nhận Ðức Giêsu không có tội gì, việc Ðức Giêsu sống lại đã hiện ra với môn đồ Người tại Giêrusalem, việc Phục Sinh xét là tôn vinh Ðức Giêsu và là nguồn ban Chúa Thánh Linh... Những tương đồng này khó có thể giải thích, nguyên bằng những liên lạc về văn chương giữa hai Phúc Âm này, nhưng phải lần lên tới những liên lạc trên phạm vi các nguồn tài liệu mới đúng. Trên tất cả tài liệu này, Thánh Luca đã thực hiện một công trình to lớn. Ta đã nhận ra điều ấy trong "thứ tự lớp lang" ngài bắt chúng ta phải theo, khi cấu tạo sách ngài. Ta cũng nhận ra điều ấy, khi so sánh những nguyên tố có phần song song trong Thánh Mátthêu và Thánh Máccô: ngữ vựng Thánh Luca rõ ràng là hay thay đổi hơn và phong phú hơn hết mọi sách trong Tân Ước; ngôn từ ngài mềm dẻo thích nghi với những đề tài khác nhau; tiếng hi lạp của ngài, xét chung, xuôi hơn Thánh Máccô, trong mấy tích truyện hai đàng gặp nhau, cũng như trong nhiều đoạn trau chuốt đặc biệt (1,1-4; 24,13-35); nhưng lại có nhiều thành ngữ sêmít nơi nhiều bản văn của ngài, nhất là trong các lời Ðức Giêsu; ngài thích mượn kiểu nói trong Cựu Ước hi lạp, cách riêng là trong mấy tích truyện hài nhi, khiến nhiều người coi đó là đoạn văn "phóng tác". Sự ngài ưa sáng sủa, ta thấy rõ trong việc ngài lo định vị trí cho mấy tích truyện bằng những câu dẫn vào (3,15; 4,1; 5,1.5,15-16; 9,36.43). Ngài năng gom góp thành từng cặp những dụ ngôn (13,18-21; 14,28-32; 15,4-10), hoặc châm ngôn (4,25-27; 11,31-32; 13,1-5; 17,26-30.34-35); nhưng việc gom góp này, nhiều khi có thể gặp sẵn ngay trong các nguồn tài liệu. Nghệ thuật Thánh Luca tỏ ra nhất là bằng lối ghi chú dè dặt, chỉ một tiếng đủ nêu lên nét cảm động trong một hoàn cảnh (2,7; 7,12; 8,42; 9,39...), bằng sự căng thẳng bi đát trong các tích truyện như những tích bà góa thành Nain (7,11-17), người nữ tội nhân (7,36-50), kẻ "trộm lành" (23,40-43) hay cuộc gặp gỡ làng Emmau (24,13-35), trong các dụ ngôn, như những dụ ngôn người Samari nhân lành (10, 30-37) hay tình từ phụ bao la của Ðức Chúa Cha (15,11-32: "đứa con hoang đàng"). Ngài luôn luôn tỏ ra tế nhị, nhất là khi tới gần bản thân Ðức Giêsu: ngài tránh mấy kiểu nói đôi khi nghiêm khắc của Thánh Máccô (Lc 4,1; 8,24.28.45...) và dành cho các môn đồ một định thức riêng để thân thưa với Thầy Chí Thánh (x. 5,5). Công trình Thánh Luca thể hiện trên các sự kiện của tập truyền, thường đặt ra cho độc giả vấn đề giá trị lịch sử trong tích truyện ngài. Vấn đề này phiền phức, và chỉ có thể bàn cho đầy đủ khi nghiên cứu cả phương pháp Thánh Luca dùng trong sách Công Vụ (x. Tiểu dẫn vào Công Vụ). Nếu xét riêng về Phúc Âm, ta có thể nhận định trước tiên rằng: Thánh Luca tuyên bố ngài muốn trình bày các biến cố thật kỹ lưỡng, căn cứ vào những tài liệu chắc chắn (1,1-4); ta cũng có thể nhìn nhận phẩm tính một số lớn các sự kiện của ngài. Nhưng một đàng, Thánh Luca nhìn xem sự kiện Ðức Giêsu với tất cả niềm tin của mình, và một sử gia coi niềm tin ấy là một giải thích cá nhân, là một cái gì vượt xa hơn lịch sử. Ðàng khác, khi trình bày lời nói và việc làm của Ðức Giêsu, Thánh Luca lưu ý trước tiên vào ý nghĩa của chúng; đôi khi ngài tỏ ra hết sức coi thường thứ tự thời gian (4,16-30; 5,1-11; 24,51) hay vị trí địa đồ (10,13-15; 13,34-35; 24,36-49); ngài không sợ tự do kết cấu những cảnh ý vị (1-2; 4,16-30; 5,1-11...). Ðiều ngài chăm lo trước hết, không phải là mô tả các sự kiện cho chính xác bên ngoài, nhưng chính là công bố lịch sử Ðức Giêsu, xét là lịch sử cứu độ. Ngài cảm thấy mình được tự do, thậm chí còn có nghĩa vụ khám phá ra ý nghĩa của các biến cố. Và ngài làm việc ấy theo ánh sáng tập truyền Hội Thánh.
Các sự kiện về nguồn gốc Phúc Âm thứ ba Không thể nào quyết đoán về nguồn gốc Phúc Âm này, mà không xét tới các sự kiện của sách Công Vụ có liên quan rất là mật thiết với Phúc Âm này. Ở đây, chỉ cần thu thập những yếu tố, do cuốn sách thứ nhất của Thánh Luca cung cấp mà thôi. Muốn ấn định ngày tháng biên soạn sách này, các phê bình gia thường làm nổi địa vị sách này dành cho việc phá hủy thành Giêrusalem (x. 19,27) và nhất là cách tác giả tách rời biến cố này ra khỏi viễn ảnh cánh chung mà Thánh Mátthêu và Thánh Máccô đã đặt vào trong đó. Hình như Thánh Luca đã biết cuộc bủa vây và phá hủy đô thành, đúng như các sư đoàn tướng Titô đã hoàn tất vào năm 70 (x. 19,43-44; 21,20-24). vậy thì Phúc Âm sẽ có sau ngày tháng ấy. Các phê bình gia hiện thời thường coi sách này biên soạn vào khoảng những năm 80-90; nhưng nhiều người gán cho một ngày tháng cổ hơn. Tuy sách cống hiến cho ông Thêophilê, mà hình như vượt quá nhân vật này, có ý gởi đến nhất là các kitô hữu theo văn hóa hi lạp. Ta ghi nhận nhiều dấu chỉ chứng minh điều ấy: ngôn ngữ sách này, những lời giải thích về địa lý xứ Palêtin (1,26; 2,4; 4,31; 8,26; 23,51; 24,13) và về các phong tục Do Thái (1,9; 2,23-24.41-42; 22,1.7), sự ít lưu tâm tới những tranh luận về Luật Môisen (không có gì tương đương với các sự kiện ở Mt 5,20-38; 15,1-20; 23,15-22), sự chăm lo tới các người dân ngoại, việc nhấn mạnh tới thực tại thể xác của Chúa Phục Sinh (24,39-43), là điều người hi lạp rất khó chấp nhận (Cv 17,32; 1C 15). Chính tác giả hình như thuộc giới hi lạp do ngôn ngữ, cũng như do nhiều nét ta vừa ghi nhận trên đây. Người ta thường ký nhận là tác giả không quen thuộc với địa lý xứ Palêtin (x. 4,29), cũng như với nhiều phong tục khác nhau của xứ này (x. 1,59; 5,19; 6,48; 9,12; 14,5). Một tập truyền mà chứng nhân xưa hơn hết là Thánh Irênê (Adv. Hoer. III,1,1 và 14,1), vào cuối thế kỷ thứ hai, coi tác giả chính là thầy thuốc Luca, Thánh Phaolô đã nhắc đến tên ở Co 4,14; Plm 24; 2Tm 4,11. Nhiều người đã tìm được kiện chứng cho nghề thầy thuốc của tác giả Phúc Âm, trong sự chính xác của mấy lời mô tả về bệnh tật; nhưng nét này không có giá trị quyết định, vì ngữ vựng tác giả dùng, bất cứ người đương thời nào có văn hóa, đều dùng như vậy. Còn những mối liên hệ giữa tác giả với Thánh Phaolô, thì Phúc Âm chỉ cung cấp cho ta mấy danh từ, để phân biệt mà thôi (x. 8, 12; 8,15; 18,1; 8,14; 21,28; 22,19-20 và các chú giải...). Muốn quyết đoán về điểm này, cần nghiên cứu các sự kiện trong sách Công Vụ.
Tính cách hiện thời của Thánh Luca Thánh Luca biểu hiện là vị thông ngôn của Tin Mừng, có lẽ thích hợp với người Việt Nam trong hoàn ảnh xã hội hiện thời hơn hết. Sự nhạy cảm của ngài đối với tình thương hãi hà Chúa Cha dễ đánh động tâm hồn Ðông Phương và Việt Nam thường đề cao chữ Tâm hơn là chữ Lý. Sự tế nhị của ngài cũng dễ làm rung cảm một sợi tơ lòng độc đáo của con người Việt Nam Công Giáo lưu ý hơn tới việc dùng các phương pháp khoa học trong việc huấn luyện đức tin. Nhất là Thánh Luca có thể giúp độc giả kim thời đi vào huyền nhiệm Chúa Giêsu, vì ngài chứng tỏ cho ta thấy Con Ðức Chúa Cha là vị Cứu Nhân Ðộ Thế cho hết mọi người, nhưng đặc biệt lưu tâm tới các người nghèo khổ, bé mọn, tội lỗi, và lương dân, lại là bậc Thầy có mọi đòi hỏi gắt gao, nhưng cũng đầy duyên dáng dễ thương, sẵn sàng đón tiếp mọi người, nhất là những ai gặp gian nan khốn khó đang cần sự nâng đỡ của Tình Yêu Thương. |
Thiết kế bởi Nguyễn Đức Khoan |