Tông Đồ Công Vụ (Trích 0:1-1)
Dẫn nhập |
Cũng như Phúc Âm thứ ba, Công Vụ Tông Ðồ là tác phẩm Thánh Lu-ca, bạn đường của Thánh Phao-lô. Ông kể lại trong sách này những biến cố ông biết rõ ràng. Vì tác phẩm "tông đồ" này là một thành phần Thánh Kinh. Và, theo tước hiệu ấy, lại là tiêu chuẩn cho chân lý và đức tin: đó là niềm xác tín của toàn Giáo Hội vào khoảng năm 200. Ðàng khác, người ta đã đọc sách Công Vụ Tông Ðồ trong Phụng Tự Sùng Ân vào mùa Phục Sinh. Sự kiện này đã xảy ra rất sớm, trễ nhất là ngay từ thế kỷ thứ tư. Thế là sách Công Vụ đã soi sáng đức tin Hội Thánh các thế kỷ đầu, đã tác động và hướng dẫn đời sống ki-tô hữu, từ khi thụ tẩy cho tới khi tử đạo, mà "Thánh Tê-phan, một vị trong nhóm Bảy", đã là người đầu tiên nêu gương sáng ngời. Hình ảnh cộng đoàn ki-tô hữu đầu tiên sẽ cảm hứng cho chủ nghĩa đan sinh khi vừa xuất hiện. Và về sau, không có phong trào cải cách hay thừa sai nào, mà lại không luyến tiếc "đời sống Tông Ðồ", theo như thấy gợi lại trong Công Vụ, đồng thời cũng là đáp ứng tiếng gọi thiết tha của Tin Mừng và của Thánh Phao-lô. Từ thế kỷ 18, một số trong những bảo đảm làm nền cho việc "đọc" sách Công Vụ trải qua bao thế hệ này, đã bị khoa phê bình văn bản đặt lại vấn đề. Tuy có những điều quá đáng, nhưng khoa ấy cũng có công nghiệp. Nếu khoa phê bình đủ chính xác để không biến các giả thuyết kế tiếp nhau thành những giáo điều, và đủ sáng suốt để biết nhìn nhận các giới hạn của mình, thì khoa ấy chỉ có thể giúp ta hiểu sách Công Vụ cho thấu đáo hơn.
Bản văn sách Công Vụ Muốn đọc một tác phẩm cổ thời, ta cần thiết lập bản văn sách ấy, và trong trường hợp sách Công Vụ, việc thiết lập nói đây là vấn đề khá phiền phức. Ða số thủ bản cống hiến cho ta hai hình thức chính: đó là bản văn "Sy-ri" hoặc "An-tiêu-kia", và bản văn "Ai-cập" hoặc "A-lec-xan-đi. Nhưng có thể gọi chung cả hai là "bản văn thông dụng", vì nó quá gần với nhau, nếu ta đem so sánh với một hình thức thứ ba gọi là bản văn "Tây phương". Xét chung, các biến thể trong bản "Tây phương" này dường như không đại diện cho bản văn nguyên thủy sách Công Vụ. Tuy nhiên, bản văn này đáng cho ta lưu ý, vì nó vừa cổ kính và truyền bá rộng bên Ðông cũng như bên Tây, vừa có giá trị lịch sử hay giáo lý. Vì thế, các chú giải trong bản dịch này sẽ ưa nhắc tới, nhất là trong ch. 15.
Sách Công Vụ về phương diện văn chương Tuy sách Công Vụ có sự nhất trí không ai chối cãi được về ngôn ngữ và tư tưởng, nhưng vẫn gồm hai phần dáng vẻ khác nhau khá nhiều. Phần thứ nhất (1-12 hoặc 15) xem như một toàn thể, mà các nguyên tố chỉ đặt gần nhau, chứ không sắp xếp cho thứ tự, các chỉ dẫn thời giờ thật là họa hiếm. Ngôn ngữ thì ưa theo kiểu người sê-mít và nhiều khía cạnh tư tưởng hình như tồn cổ. Phần thứ hai (13 hoặc 16-28) thì trái lại, khiến ta có cảm tưởng là một dòng liên tục, một toàn thể có tổ chức mạch lạc hơn. Các dữ kiện thời giờ, gặp thấy nhiều hơn. Ngôn ngữ thì thuần tuý hi-lạp hơn. Ðiều kỳ lạ, là trong lời tường thuật, bốn lần thấy bỏ ngôi thứ ba, để dùng ngôi thứ nhất số nhiều: "chúng tôi" (16,10). Những đoạn văn khá dài trong sách, thực tế đều là những tích truyện thừa sai (2,1-41; 8,4-40; 9,32-11,18; 13,1-21,26) hay tích truyện phiên tòa (3,1-4;31; 5,17-42; 6,8-8,12; 12,1-7; 21,27-26,32), mà tích cuối cùng lại kéo theo một tích truyện hành trình nữa (26-28). Còn những đoạn văn ngắn hơn đều thuộc hai loại chính: tích truyện và diễn từ. Các tích truyện, dù có đối thoại hay không, cũng khác nhau rất nhiều. Tính lạ lùng chiếm địa vị lớn lao. Cả mấy "bản toát lược" dành mô tả Giáo đoàn Giê-ru-sa-lem ở phần đầu sách (2,42), cũng thuộc phạm vi truyện ký. Rồi những câu quả quyết vắn tắt chung chung, rải rác trong cả sách, cũng vậy (6,7; 9,31; v.v.; 16,5; 19,10-20; v.v.). Các diễn từ cũng khác nhau không kém gì tích truyện. Phần nhiều là do ki-tô hữu đọc; nào diễn giảng thừa sai nhiều kiểu khác nhau (2,14; 10,36; 14,15); nào diễn từ biện hộ trước tòa án Do-thái hoặc Rô-ma (4,8-12; 5,29-32; 7,2; 22,1); nào diễn giảng cho ki-tô hữu khác (1,16-22; 11,4-17; 15,7; 15,13; 20,18). Có thể thêm vào các diễn từ ki-tô hữu này, những kinh nguyện (4,24) và một bức thư (15,23-29). Ðàng khác, còn mấy diễn từ vắn tắt (5,35-39; 19,25-27.35-40; 24,2-8; 25,14-21) cũng như một bức thư (23,25) được gán cho người Do-thái hay là dân ngoại. Chắc chắn tác giả Công vụ đã dùng các nguồn tài liệu. Có nhiều dấu chỉ theo chiều hướng ấy. Các nguồn tài liệu đó là thứ thành văn hay là truyền khẩu? Có lẽ là cả hai. Dù sao, các nguồn ấy phải có sự vững vàng và uy tín khá lớn. Vì rất có lẽ chính nó là lý do giải thích sự khác nhau của hai phần sách, mặc dầu sự nhất trí văn chương trong toàn thể làm chứng tầm quan trọng của công trình biên soạn. Nhưng rủi một điều là rất khó cô lập trường hợp "lộ trình" hay "nhật ký hành trình". Vì những đoạn văn dùng chữ "chúng tôi", tuy giả thiết là có nhật ký này, nhưng lại không thể giúp ta xác định giới hạn đúng tư đâu tới đâu. Trái lại, ta thấy rõ hơn các nguồn tài liệu ấy xuất phát ở nơi nào trong đời sống Giáo Hội sơ khai. Mỗi Giáo đoàn phải giữ lại mấy kỷ niệm về sáng lập và về lịch sử của mình (x. 1Th 1,6; 2,1; 1C 2,1-5; 3,5-6; v.v.) và biết ít nhiều giai thoại trong đời sống vị sáng lập mình (1Th 2,2; 3,1-2; 2C 11,22-12,10; Ga 1,15-3,14; v.v.; Hi 13,7). Những tài liệu có tính cách xây dựng, lạ lùng hay gợi cảm ấy, có thể chuyển từ Giáo đoàn nọ sang Giáo đoàn kia (1Th 1,8; 2,14; 1C 16,1; 2C 8,5; Ga 1,13-23; v.v. X. Cv 24,27; 15,3-4; v.v.). Và mấy trung tâm quan trọng như Giê-ru-sa-lem hay An-tiêu-kia (11,19) chắc là được may mắn về phương diện này, và phải giữ lại, nhờ bút tích hay là truyền khẩu nhiều tài liệu loại ấy. Sau hết, phải thêm rằng: nếu tác giả "nhật ký hành trình" cũng chính là tác giả Công vụ, thì nhân vật bạn đường của T. Phao-lô đây còn có những kỷ niệm riêng tư của mình.
Sách Công vụ và lịch sử Dù các nguồn tài liệu có thể nào đi nữa, vẫn còn có thể và cần phê phán về giá trị sách Công vụ, và trước tiên là về khung cảnh mấy tích truyện và diễn từ xảy ra trong đó. Các sự kiện do lịch sử thế giới và do khảo cổ học, cũng như do các phần khác trong Tân Ước và cách riêng do các thư T. Phao-lô cung cấp cho ta, có thể giúp ta, nhờ đối chiếu, lượng giá về sự chính xác của khung cảnh này và về ít nhiều chi tiết. Những kết quả do việc tra xét này thường thuận lợi hơn là bất lợi cho tính thật thà của sách Công vụ. Chính nhờ thế, mà ta có thể thiết lập những yếu tố khá vững chắc về niên biểu cho nguồn gốc Ki-tô giáo, cũng như cho đời sống và các thư của T. Phao-lô. Tình trạng ấy kêu mời sử gia nên tín nhiệm tiên thiên vào nhiều dữ kiện do sách này cung cấp, mà vì thiếu phương tiện kiểm soát bên ngoài, nên họ đành phải hạn chế vào những khả năng của khoa phê bình thuần túy nội dung. Khoa phê bình này có thể ghi nhận, đó đây, những nét bất hòa hay căng thẳng trong các tích truyện, rất có thể hoặc do tài liệu tác giả không được chắc chắn hay còn thiếu sót, hoặc do chủ ý tác giả muốn sửa đổi hay giải thích các dữ kiện do mấy nguồn tài liệu cung cấp cho. Tính có thể đúng sự thật của tích truyện là một tiêu chuẩn khác, nhưng khó sử dụng, vì các nhận xét nó nêu lên không thuộc phạm vi lịch sử tất cả đâu. Trường hợp khó nhất ở đây là cái lạ lùng và cách riêng mấy tích truyện về phép lạ. Cố nhiên là có thể, và tùy dịp lại có lẽ đúng, là tác giả hay chính mấy nguồn tài liệu đã nhấn mạnh tới khía cạnh này của một số tích truyện. Nhưng khoa phê bình không được phép quên rằng: các phép lạ đã đóng vai trò chắc chắn trong Ki-tô giáo sơ khai (Rm 15,18tt; 2C 12,12; Hi 2,4; x. Mc 16,17tt). Trong mấy trường hợp này, không nói tới trường hợp T. Phao-lô ăn năn trở lại, sách Công vụ chỉ nêu rõ chân dung của mấy thực tại đã được chứng minh nơi khác rồi. Sử tính các diễn từ Công vụ còn đặt ra những vấn đề phiền phức hơn là các phần truyện ký. Vì ta biết các sử gia cổ thời vốn coi là bình thường việc tư do soạn lấy diễn văn, rồi đặt vào miệng các nhân vật lịch sử. Sự vắn tắt của phần nhiều diễn văn trong Công vụ không cho ta coi đó là những bản ghi tốc ký hay những kỷ niệm duy trì y nguyên. Một ít nét không thể có thật (15,15; v.v.) hay một ít điểm tương đồng về ngôn ngữ hay tư tưởng, giữa các diễn văn và tích truyện, cho thấy là tác giả đã can thiệp nhiều hay ít vào việc biên soạn các diễn từ, Nhưng mấy nhận xét này không cho phép ta phủ nhận tất cả giá trị tài liệu của chúng. Có nhiều lý do chính đáng để nghĩ rằng: các diễn từ thừa sai hay diễn từ của T. Phao-lô nói với hàng kỳ lão Ê-phê-sô (20,18-38) là phản ánh trung thành những kiểu mẫu khác nhau trong lời giảng Ki-tô giáo. Còn mấy diễn từ khác, xét chung chung, thì có thể đúng sự thật, nhưng muốn lượng đúng giá trị lịch sử mỗi bài, thì phải tùy thuộc rất nhiều vào uy tín ta dành cho các tài liệu tác giả và cách riêng cho "nhật ký hành trình". Một điểm sau cùng trong Công vụ, xét là tài liệu lịch sử, cần phải nêu lên: đó là những im lặng. Ví dụ sách này không nói chi tới việc thành lập nhiều Giáo đoàn có nhắc đến tên (28,13) và cũng không đề cập chi tới những bất hòa giữa T. Phao-lô với Giáo đoàn Co-rin-tô (19,1). Những im lặng này và nhiều điểm khác, bất luận vì lý do nào, đều cho ta thấy: Công vụ không phải là cuốn sử chung về Ki-tô giáo sơ khai, cũng không phải là cuốn truyện đầy đủ về đời sống T. Phao-lô Tông đồ.
Thần học sách Công vụ Nếu chỉ coi Công vụ là tài liệu lịch sử mà thôi, thì sẽ đi lạc đường, vì sách ấy theo ánh sáng đức tin, để giải thích lịch sử ghi lại trong đó. Trước tiên các diễn từ theo cách thế riêng, để "đọc" lịch sử đã qua mà nay có dịp gợi lại hay là đọc tích truyện hiện thời nào đó (2,16-21.33; 4,10-12; 11,17tt; v.v.). Nhưng việc giải thích nhờ đức tin này cũng tỏ ra vững chắc nơi các phần kể truyện, trong đó Chúa CHA can thiệp vào để đóng một trong các vai trò câu truyện: Ngài hành động nhờ thiên sứ (23,8), nhờ Thánh Linh (1,8), nhờ các thừa sai Ki-tô giáo (15,4-12; 19,11; v.v.); v.v. Thế là mục tiêu lịch sử trong sách này liên kết với mục tiêu đức tin cách minh nhiên hơn là trong các sách Tin Mừng. Cũng giống như mấy sử gia tín đồ. Vì thế, muốn "bắt gặp" ông, cần phải xét đến đức tin của ông và nội dung của niềm tin ấy. Nói kiểu khác, cần phải xét đến thần học của ông. Thần học này hiện diện khắp nơi trong sách, nhưng phần cốt yếu được nêu lên trong các diễn từ và cách riêng trong các diễn từ thừa sai.
Lịch sử cứu độ Lời giảng Ki-tô giáo là công bố lịch sử cứu độ, mà vai chính là Chúa CHA. Chúa CHA đã tạo thành vũ trụ (17,24; v.v.) và đã chọn dân I-ra-en (3,25; 13,17; v.v.). Thế là ở trung tâm lịch sử thế giới, Cựu Ước là thành phần của Tin Mừng, là giai đoạn đầu tiên (13,17-22; 7,2-50), là thời kỳ những hình bóng dọn đường (7,25; v.v.) và nhất là thời kỳ của Lời Hứa và lời các ngôn sứ loan báo chương trình Ðức Chúa CHA (2,23). Thời kỳ hoàn tất (3,18) bắt đầu, khi Ðức Chúa CHA cho Ðức Giê-su "xuất hiện" (3,22.26; 13,23) và bảo lãnh cho đời sống, lời giảng và các phép lạ của Người (1,22; 2,22; 10,36-38). Người Do-thái tuy không có ngờ (3,13), nhưng sự Thương khó và cái Chết của Ðức Chúa Giê-su, tiếp tục thể hiện Thánh ý Chúa CHA. Sau hết, khi Chúa CHA phục sinh Chúa Giê-su đặt Người làm "Chúa Tể" và "Ki-tô" (2,36) và ban cho Người Thánh Linh đã hứa (2,33), thì bấy giờ "lời hứa cùng tổ phụ" theo một ý nghĩa, đã nên hoàn tất trọn vẹn (13,22tt). Nhưng lời hứa ấy dành cho I-ra-en và hết mọi người (2,39) "cho tới tận cùng trái đất" (1,8), nên việc hoàn tất mở ra một không gian và một thời gian, để tiếp diễn lịch sử cứu độ. Sách Công vụ lưu tâm vào hiện tại (x. Lc 4,21) tới mức hưởng trước tương lai (x. 1,7.10tt), nhưng trong tương lai vẫn là nhãn giới cuối cùng cho cuốn sách: đó là ngày Chúa CHA sẽ hoàn thành ý định của Ngài, là sai Ðức Ki-tô xuống "phán xét kẻ sống và kẻ chết" (10,42; x. 3,20).
Ngày hôm nay của Chúa CHA Vậy, đối với sách Công vụ, những điều mắt thấy tai nghe (2,33) từ ngày Ðức ki-tô Phục sinh hiện đang tiếp tục hoàn tất các lời ngôn sứ (2,16-21; 13,40tt; 15,15-18; 28,25-27). Chúa CHA luôn luôn vẫn đóng vai trò chính yếu và mặc dầu chúng ta không xem thấy, nhưng Chúa Giê-su vẫn cùng với Chúa CHA là trung tâm cho mọi biến cố: sứ mạng Người tiếp tục (3,26), Người tràn đổ Thánh Linh (2,33), để làm linh hồn cho đời sống Hội Thánh (1,8), và dùng T. Phao-lô để đích thân "loan truyền ánh sáng cho Dân ưu tuyển và chư dân" (26,23). nên nhấn mạnh rằng: cái nhìn vào "hiện tại" của lịch sử cứu độ đây, không phải do tác giả sách Công vụ bày ra, vì nó đã xuất hiện ở T. Phao-lô rồi. Chính vì tầm quan trọng của T. Phao-lô nhìn nhận cho Thánh giá và sự Phục sinh của Chúa Giê-su, là Ðấng "các lời Chúa CHA phán hứa đã nên hiện thực nơi Người" (2C 1,20), khiến cho T. Phao-lô suy tưởng và hành động theo viễn ảnh "ngày hôm nay" (x. 2C 6,2), trong đó lời Kinh Thánh tiếp tục nên hoàn tất, ví dụ như trong ơn cứu độ nhờ đức tin (Ga 3,6-9; Rm 1,17; 4; v.v.). Ðối với T. Phao-lô cũng như đối với sách Công vụ, lời giảng thừa sai là chính lời Chúa CHA tác động và loan truyền (1Th 2,13tt; 2Th 3,1; Co 1,5-6), được các dấu lạ nhận là chính thực (Rm 15,19; 2C 12,12). Việc ngài ăn năn trở lại là thành phần ý định Chúa CHA (Ga 1,11tt.15tt; v.v.). Ngài coi đời sống các Giáo đoàn như là tiếp nối thời kỳ Chúa Giê-su (1Th 2,14tt; x. Hi 2,3-4). Vậy tác giả sách Công vụ không phải là người đầu tiên nhận thấy tầm quan trọng của cái hiện tại trong chương trình Chúa CHA, nhưng ông đã làm cho cái "ngày hôm nay" ấy nổi bật lên, khi ông định viết sách Công vụ như là phần tiếp theo sách Phúc âm của mình (1,1).
Lời Chúa CHA và "không gian" lời ấy: lược đồ Công vụ Cái "ngày hôm nay" ấy, đối với sách Công vụ, trước tiên là thời gian của Lời Chúa CHA, của Tin Mừng, của chứng từ công bố Ðức Giê-su Phục sinh thật là "Chúa Tể và Ðấng Ki-tô". Các chứng tá đầu tiên cho niềm tin ấy chính là nhóm Mười hai Tông đồ, theo tước hiệu độc nhất vô song (1,2; 1,22). Nhưng các ông Tê-phan, Phi-líp, Ba-na-bê và những người khác nữa, mà T. Phao-lô đứng hàng đầu (13,31), cũng thông phần vào việc loan báo này, để cho Lời vang dội mãi cho tới cuối sách (28,30tt). Rõ ràng là Công vụ lưu tâm tới không gian vừa ở ngoài địa lý vừa ở trong con người, là nơi loan truyền lời ấy. Trong Phúc âm T. Lu-ca, Chúa Giê-su tự tỏ mình, bắt đầu từ Na-da-rét và kết thúc tại Giê-ru-sa-lem. Còn trong Công vụ, thì Tin Mừng khởi sự từ Giê-ru-sa-lem (2-5), để đi tới miền Sa-ma-ri và từ xứ Giu-đê (8,1), rồi đạt tới xứ Phê-ni-ki, Ky-pô và Sy-ri (11,19-22), đoạn từ đây sang Tiểu Á và Hi-lạp (13-18) trước khi thấu tận Rô-ma (28,30). Thế là Lời Chúa hoàn thành cuộc chạy đua "tới tận cùng trái đất", như Chúa Phục sinh đã muốn vậy (1,8) và như đã được tượng trưng trong ngày Linh Giáng (2,10). Sở dĩ Tin Mừng được loan báo khắp nơi như thế, chính là vì đã được dành sẵn cho "hết mọi người" (17,31): trước hết là cho I-ra-en (2,39; 3,25-26), rồi cho các dân ngoại. Việc chuyển Tin Mừng và ơn Cứu độ sang cho dân ngoại (13,46) do Chúa CHA (2,39; 15,7-11.14) và Ðức Giê-su (22,21) muốn thế, chính là đề tài cốt yếu sách này. Việc ông Co-nê-li trở lại (10,1), việc giảng Tin Mừng cho người Hi-lạp ở thành An-tiêu-kia (11,19) và việc sai các ông Ba-na-bê và Phao-lô đi truyền giáo (13,1), là những giai đoạn đầu tiên của việc chuyển sang này. Tuy ở An-tiêu-kia, rồi tại Giê-ru-sa-lem, đã đặt lại vấn đề chuyển sang ấy, nhưng cuối cùng việc ấy đã được duy trì (15,1). Thế là T. Phao-lô có thể bắt đầu sứ vụ truyền giáo qui mô (15,36). Việc ấy sẽ giúp ngài, nhờ bị tù (21,33-28,14), mà có thể đem Tin Mừng, theo ơn gọi riêng của ngài, đến tận Rô-ma là thủ đô thế giới dân ngoại (28,31). Dù có những chi tiết không chắc chắn, nhưng mấy nét đại cương trong lược đồ sách Công vụ, xuất hiện rõ ràng trong các giai đoạn trên đây, vừa liên hệ tới địa lý, vừa liên quan tới con người, đánh dấu cho việc loan truyền Lời Chúa CHA.
Trở lại, đức tin, thanh tẩy và ban Thánh Linh Lời giảng Ki-tô giáo thường kết thúc bằng lời kêu gọi người nghe ăn năn trở lại (1,19). Ðó là ra khỏi sự không biết mình (3,17), là tin theo bằng cách nhìn nhận Ðức Giê-su là "Chúa Tể và Ðấng Ki-tô" (2,36). Ðức tin đối với sách Công vụ, tuy hiển nhiên là một hành vi tự do của con người, nhưng vẫn là một hồng ân Ðức Chúa CHA (5,31; 11,18; 15,9; 16,14; v.v.). Vì chỉ có một mình Chúa CHA mới "mở cửa lòng tin" (14,27) và giải cứu được nhờ Chúa Giê-su (4,12; 15,11). Ðối với hai hồng ân Chúa CHA ban xuống là tha tội (3,26; 5,31; 10,43; v.v.) và cho dự phần Thánh Linh do Ðức Giê-su tuôn đổ (2,38; 10,45; 11,17), về phía Hội Thánh, có hai lễ nghi tương ứng cách mầu nhiệm đó là phép thanh tẩy "nhân danh Ðức Giê-su Ki-tô" để tha tội (2,38; x. 1,5; 19,5); và phép đặt tay để ban Thánh Linh (6,6; x. 10,44). Thế là các tín đồ mới đều được thanh tẩy "trong Thánh Linh" (1,5; 11,16) và được dự phần các lời Chúa hứa.
Các Giáo đoàn, Giáo Hội, dân Chúa CHA Như vậy là các người ăn năn trở lại được gia nhập những nhóm mà sách Công vụ đã sớm gọi là các Giáo đoàn (5,11; 7,38; 11,26). Trong sách, ta thấy rất rõ là có nhiều Giáo đoàn, nhưng điều ấy không ngăn trở họ ý thức là mình tiến bước trên cùng một "con Ðường", cùng một "Ðạo Chúa CHA" (9,2), mà các phần tử, bất luận ở đâu, cũng gọi nhau bằng cùng mấy danh hiệu và sẽ có ngày được gọi là Ki-tô hữu, ki-tô thuộc (11,26; 26,28). Vì thế, không lạ gì mà tiếng Giáo Hội, sau đã dùng để gọi chung các Giáo đoàn, là "Giáo Hội Ðức Chúa CHA đã sắm bằng giá máu" (20,28; x. 9,31). Dù sao, rõ ràng là đối với tác giả, toàn thể các tín đồ lập thành dân duy nhất của Chúa CHA, trong đó đức tin qui tụ các người đã chịu và không chịu cắt bì (15,14; x. 18,10). Còn những người Do-thái "không chịu nghe" Ðức Giê-su, thì bị loại ra ngoài (3,23; x. 13,46). Dân và các Giáo đoàn này thuộc riêng về Chúa CHA, nên đặc biệt gần gũi với Ngài và với bản thân Chúa Giê-su. Ðụng tới ki-tô hữu là phạm đến bản thân Ðức Giê-su (9,5). Gia nhập một cộng đoàn nào, chính là liên kết cùng Chúa (x. 2,47 và 5,14; 11,24), vì Thánh Linh Người tác động và hướng dẫn toàn thể đời sống các Giáo đoàn (1,8; 5,3-4.9; 15,28; 20,28; v.v.).
Ðời sống các Giáo đoàn Mấy bản toát lược trong sách Công vụ, vừa cho ta phỏng đoán các Giáo đoàn tiên khởi đã sống làm sao và muốn sống như thế nào, vừa mặc khải cho ta biết rõ quan niệm tác giả về lý tưởng, mà các cộng đoàn ki-tô hữu phải lo vươn tới. Bản toát lược đầu tiên ghi nhận nhất là sự chăm chỉ nghe "các Tông đồ giảng dạy" (2,42) và tiếp theo là lời giảng dạy do các người lãnh đạo các Giáo đoàn phụ trách (14,22; 20,7.18-35; v.v.). Lời giảng này dành cho các người đã ăn năn trở lại và kéo dài sứ điệp họ đã tin theo. Có lẽ là "luân lý" chiếm phần quan trọng hơn, mà hẳn là nhấn mạnh tới tình huynh đệ (x. 20,35). Dù sao, sự hiệp thông huynh đệ là khía cạnh đời sống ki-tô hữu đi liền sau lời giảng dạy. Căn bản sự hiệp thông ấy ở tại có "một lòng và một linh hồn với nhau" (4,32; 2,44). Chính tích truyện ở trung tâm sách Công vụ thật ra nói cho ta hay phương thức Giáo Hội đã dùng để cứu vãn sự hiệp thông các Giáo đoàn, trong đó có những người chịu và không chịu cắt bì (15,1-25). Ðàng khác, sự hiệp thông tâm hồn này nảy nở thành sự để của chung (2,44), hay ít ra sự chia sẻ giữa anh em với nhau (9,36; 10,48; 20,34; 21,24) hay giữa các Giáo đoàn (11,29). Hai thành phần chót trong đời sống Giáo đoàn, do sách Công vụ đã ghi, là "bẻ bánh và cầu nguyện" (2,42). Bẻ bánh, chắc chắn là chỉ phép Sùng Ân (2,42; 13,1; 20,70). Còn cầu nguyện, thì đó không phải nguyên là một yếu tố trong bữa Sùng Ân, trong phép thanh tẩy (x. 22,16) và phép đặt tay (8,15.17), tức là trong phụng tự mà thôi, nhưng còn đi theo tất cả đời sống hằng ngày của các Giáo đoàn và ki-tô hữu (1,14; 4,24; 9,40; 10,9; 12,5-12; v.v.).
Tông đồ, Tá viên, T. Phao-lô, Ngôn sứ, Kỳ lão Trong lòng các Giáo đoàn, thấy nổi bật lên những nhóm tín đồ phụ trách mấy việc làm riêng. Trước tiên là trường hợp mười hai Tông đồ (1,2) chung quanh T. Phê-rô (1,13; 2,14; 5,3.29; 9,32; v.v.; 15,17). Tại Giê-ru-sa-lem và ở bên ngoài, các tông đồ chiếm địa vị độc nhất vô song. Vai trò các vị ấy còn vượt quá (4,33-37; 5,12.18.40; 9,27; v.v.) sứ mạng căn bản làm chứng nhân (1,8) và phục vụ Lời Chúa (6,2). Sự hiện diện của các ngài, ít nữa trong thời gian đầu, tại Giê-ru-sa-lem, hẳn là lý do giải thích, vì sao Giáo đoàn tiên khởi này, theo mức rộng rãi, đã đóng vai trò trung tâm và điều chỉnh (8,14; 9,32; 11,1.27-30; 15,2.36). Chính các Tông đồ, vì mang quá nhiều trách nhiệm và lo cứu vãn lấy phần cốt yếu, nên mới thiết lập nhóm Bảy tá viên (6,1). Trái lại, chính Ðức Giê-su trao phú cho T. Phao-lô một sứ mạng, tuy không ở trên cùng bình diện với các Tông đồ (13,31) và sẽ khiến ngài trở nên vị sáng lập và phụ trách các Giáo đoàn. Các ngôn sứ thì đứng trên bình diện khác hẳn; không bao giờ các vị ấy xuất hiện như kẻ được người ta "thiết lập"; nhưng các ngài được Thánh Linh cảm hứng và đóng vai trò quan trọng trong đời sống các Giáo đoàn (11,27). Khi sách Công vụ nói tới kỳ lão, đối với các Giáo đoàn T. Phao-lô, thì đó là những kẻ do ngài "thiết lập" (14,23), để lãnh trách nhiệm các Giáo đoàn ấy, khi ngài đi khỏi (20,18.28); vì thiếu tài liệu khác, nên ta có thể giả thiết nguồn gốc và vai trò tương tự, đối với các kỳ lão Giê-ru-sa-lem (11,30) ở xung quanh T. Gia-cô-bê (21,18; x. 12, 17; 15,13). Vì thế, mặc dầu tác giả không nhấn mạnh tới điểm này, nhưng Giáo Hội và các Giáo đoàn do ông giới thiệu, ít ra đã có phần nào cơ cấu. Nhưng không vì thế, mà các "anh em" thường không còn vai trò gì nữa. Dù là ngôn sứ hay không, nhiều lần ta thấy các anh em đó dự phần vào những cuộc lựa chọn quan trọng (1,15tt; 6,3; 13,1-3; 14,23) và chính một quyết định của Thánh Linh "đồng ý với toàn Giáo Hội", kết thúc hội nghị Giê-ru-sa-lem (15,22.23.28): đối với tác giả, đó là đường lối lý tưởng để cai trị Giáo Hội đúng theo định hướng "hiệp thông".
Lề luật Môi-sen và niềm tin vào Ðức Giê-su Ðó là điểm chót trong nền thần học sách Công vụ. Vì quan trọng, nên phải bàn đến cách riêng. Vậy tác giả quan niệm thế nào việc chuyển từ Do-thái giáo sang Ki-tô giáo, từ ơn cứu độ nhờ luật Môi-sen (15,1.5) sang ơn cứu độ nhờ đức tin và ân sủng (15,9.11). Thực ra lời quả quyết của T. Phao-lô, khi đứng trước tổng trấn Phê-lịch, không phải là không có có phần nghịch thuyết. Ngài nói: Khi theo "Ðạo", với tư cách là ki-tô hữu, ngài vẫn toàn diện trung thành với niềm tin cậy I-ra-en (26,22). Người Do-thái đã trở nên ki-tô hữu, không vì thế mà bỏ các thực hành Do-thái giáo (2,46), là lề luật và phép cắt bì (15,5; 21,20tt). Cả T. Phê-rô cũng vậy (10,9.14). Có lẽ T. Tê-phan đã ít nghịch với Lề luật hơn lời các đối phương ngài nói (6,13). Và chính T. Phao-lô đã tự cho mình (21,24; 25,8) và tự tỏ mình là kẻ trung thành tuân giữ Lề luật Môi-sen (16,3; 21,26; 22,17). Giáo đoàn Do-thái, tuy vẫn là Giáo Hội, nhưng còn chìm sâu vào Do-thái giáo. Vì không phê phán về chính tình trạng ấy, nên sách Công vụ hình như tỏ cho ta thấy tác giả coi đó là tình trạng bình thường. Nhưng I-ra-en này, giờ đây đã được hưởng thụ các lời hứa trong Ðức Giê-su "là Chúa Tể và Ðấng Ki-tô", nên họ cần mở rộng ra đối với chư dân. Nhưng mở rộng theo những phương thức cụ thể nào, thì cả Ðức Giê-su, cả Chúa CHA cũng chưa mặc khải cho tín đồ Do-thái. Vậy chính Chúa CHA đã can thiệp, để làm cho những người dân đầu tiên không chịu cắt bì, là ông Co-nê-li và gia nhân tại Xê-sa-rê được ăn năn trở lại (10,1). Ngài liệu cho T. Phê-rô hiểu là việc giao tiếp với những người đã nhờ đức tin tinh luyện đó và ăn đồng bàn với họ, không thể là nguồn gây "ô uế" cho người Do-thái được (10,28.35). Giáo đoàn ki-tô hữu gốc do-thái tại Giê-ru-sa-lem đã chấp nhận và chào mừng biến cố ấy (11,18). Tuy nhiên, một ít phần tử lại giải thích điều đó như một nố trừ. Vì sẽ có ngày họ muốn bắt người Hi-lạp ở thành An-tiêu-kia đã ăn năn trở lại (11,20-21) phải chịu phép cắt bì và giữ luật Môi-sen, coi đó là những điều cần thiết để được ơn cứu độ (15,1.5). Ðã hẳn đó là phương triệt để giúp giải quyết các vấn đề đặt ra, do sự người Do-thái và ngoài-do-thái sống chung và ăn đồng bàn ở trong các Giáo đoàn. Nhưng đối với tác giả sách Công vụ, việc giải quyết các vấn đề này đã được nêu lên dứt khoát một lần tại Xê-sa-rê. Ông mô tả một cách thỏa mãn rõ ràng, cuộc chiến thắng ở Giê-ru-sa-lem (15,4-29). Thực ra, cuộc chiến thắng này đã đạt tới, nhờ một sự dàn xếp (15,19.20) vừa cứu vãn được sự "hiệp thông" Giáo Hội, vừa bảo đảm được những gì thiết yếu, tức là: dù có chịu hay không chịu cắt bì, cũng phải nhờ đức tin và ân sủng Chúa Giê-su, thì ki-tô hữu mới được ơn cứu độ (15,9.11). Một ki-tô hữu gốc Do-thái, bấy giờ đã có lý do nào để cứ trung thành với phép cắt bì và Luật Môi-sen? Tác giả không nói chi về điều ấy hết. Có lẽ ông đã không tự đặt câu hỏi ấy bao giờ. Dù sao, ông cũng không coi đó là điều quan trọng hàng đầu, vì ông suy nghĩ tỏ tường là: trước cảnh đa số người Do-thái từ chối Tin Mừng (13,46), từ đây ơn cứu độ được đề nghị cho nhất là, nếu không phải chỉ nguyên cho một mình dân ngoại (28,28).
Sách Công vụ cho ai và để làm gì? Vấn đề độc giả, người viết có ý nhắm vào những chủ ý đã thúc đẩy ông viết, có một tầm quan trọng cách riêng giúp hiểu về lịch sử hay giáo lý tác phẩm của ông. Có lẽ tác giả không loại trừ người Do-thái khỏi hàng độc giả của mình: một số người trong họ có thể nhạy cảm đối với sự ki-tô hữu đã chịu cắt bì trung thành giữ Do-thái giáo hay đối với đề tài hoàn tất các lời Thánh kinh. Nhưng sách Công vụ không thể dành cho nhất là độc giả do-thái: vì tác giả quá nhấn mạnh tới sự I-ra-en từ chối Tin Mừng, cũng như trách nhiệm người Do-thái trong cái chết của Ðức Giê-su (2,23; 3,13-15; 13,27-29) và tới những khó khăn mà việc ruyền bá Ki-tô giáo đã gặp. Thoạt nhìn, ta thấy giả thuyết nhắm vào độc giả dân ngoại là điều thích hợp hơn. Vì chính dân ngoại là kẻ ơn cứu chuộc cuối cùng được đề nghị cho (28,28); vì Thánh Phao-lô, vị thừa sai chính yếu của Ki-tô giáo, bẩm sinh là công dân Rô-ma (16,37); vì các toà án Rô-ma đã luôn luôn nhìn nhận là ngài vô tội (18,15), và như thế là phải lắm, vì "Ðạo" ngài rao giảng, không phải là một phong trào chính trị phiến loạn (17,17), cũng không phải là một tông giáo mới nào phi pháp (18,13). Tuy không thể đúng là sách Công vụ có ý viết ra để biện hộ cho Thánh Phao-lô, trước tòa án hoàng đế, nhưng rất có thể nghĩ là tác giả khi viết cũng mong rằng: cuốn sách có thể rơi vào tay những độc giả còn là dân ngoại, để cho họ được nhờ ơn ích. Nhưng rốt cuộc, chính nội dung sách này, niềm tin diễn ra trong đó cách rõ ràng và liên tục, các vấn đề bàn giải trong đó: tất cả đều chứng minh là tác giả viết trước tiên cho độc giả ki-tô giáo. Thế thì chủ ý đầu tiên, phải chăng là biện hộ cho các lập trường thừa sai của T. Phao-lô chống với người ki-tô hữu gốc Do-thái? Nếu chủ tâm như thế hẳn là tác giả cần che đậy việc thế hệ ki-tô hữu đầu tiên đã trung thành với Do-thái giáo, vì điều ấy chỉ có thể cung cấp thêm lý chứng cho những đối phương. Thực ra, những mục tiêu căn bản tác giả có ý nhắm vào, cốt yếu là những điều tích cực: ông viết sách Công vụ cũng như sách Phúc Âm, trước tiên là để giáo huấn và xây dựng cho ki-tô hữu. Chính vì mục tiêu ấy mà ông kể lại việc loan truyền Lời Chúa, mãi tới ngày Lời ấy vang dội "cách hoàn toàn hiên ngang dạn dĩ và vẫn không gặp trở ngại nào", tại chính đô thành Rô-ma, Khi nhấn mạnh tới vai trò đức tin, ông chống lại những khuynh hướng theo Do-thái giáo có thể xảy ra; khi tôn trọng việc ki-tô hữu chịu cắt bì trung thành với Do-thái giáo, hẳn là ông đánh tan mọi lời chỉ trích, có thể xuất hiện từ phía các anh em không chịu cắt bì. Thực ra, tác giả là con người nhắm vào sự nhất trí và hiệp thông, kêu mời Giáo Hội sống theo Thánh Linh hướng dẫn, giống như Giáo đoàn Giê-ru-sa-lem đã chỉ có một lòng và một linh hồn với nhau.
Tác giả và ngày tháng biên soạn sách Công vụ Có thể nói dài về sách Công vụ, như tiểu dẫn này chứng minh điều ấy, mà không đề cập tới tác giả và ngày tháng biên soạn. Nhưng cũng như vấn đề độc giả và các chủ ý người viết nhắm vào, các vấn đề cổ điển này cũng đặt ra cho ai muốn lượng giá và hiểu biết sách Công vụ cho hoàn toàn đầy đủ. Tác giả sách Công vụ cũng chính là tác giả Phúc Âm thứ ba. Tập truyền đã xác tín như vậy trong nhiều thế kỷ. Nếu so sánh tự ngôn trong hai cuốn sách, thì cũng đòi cùng một người viết cả hai: vì cả hai tự ngôn đều cống hiến cho ông Thê-ôphi-lê (Lc 1,3; CV 1,1) và tự ngôn sách Công vụ còn ám chỉ sách Phúc Âm (Cv 1,1). Sau hết, nghiên cứu về ngôn ngữ và tư tưởng trong hai cuốn càng hết sức rõ ràng biện minh cho cùng một tác giả. Nhưng tác giả ấy là ai? Vì có những đoạn dùng kiểu nói "chúng tôi", nên gợi ý là tác giả vào số những bạn đường của T. Phao-lô. Tính dè dặt trong lối gợi ý này, địa vị sách dành cho sứ mạng truyền giáo của T. Phao-lô và những am hòa quan trọng với giáo lý T. Tông đồ, cũng mời gọi ta tìm tác giả theo chiều hướng ấy. Và như vậy thì ông "Lu-ca thầy thuốc thân yêu" (Co 4,14; Plm 24) gần như là người duy nhất hội đủ các điều kiện trên đây. Nhưng còn phải xét tới nhiều dữ kiện khác nữa. Sự am hòa tư tưởng giữa Công vụ và T. Phao-lô trong các Thư ngài, ít nữa còn gây thắc mắc về một số điểm thật là quan trọng, ví dụ như ý niệm về chức vụ Tông đồ (13,31) hay vai trò của Luật Môi-sen. Cũng vậy, một ít điều quả quyết hay là im lặng trong sách Công vụ xem ra thật đáng phải ngạc nhiên, ví dụ làm sao mà một bạn đường của T. Phao-lô, quan tâm một cách rõ ràng như thế đối với vấn đề dân ngoại ăn năn trở lại, thế mà lại không nói gì tới cuộc khủng hoảng Ga-lát? Những vấn đề này có thực. Nhưng phải chăng vì thế mà kết luận được rằng: Phúc Âm thứ ba và Công vụ tông đồ không thể do tác giả là bạn được của T. Phao-lô và bởi đấy nhất thiết không thể nào chấp nhận T. Lu-ca là tác giả hai sách này? Lý luận như thế ít ra là không chắc đúng. Về ngày tháng biên soạn, thì có một điểm rõ ràng: chiếu theo tự ngôn trong sách, thì đã viết Công vụ sau Phúc Âm T. Lu-ca. Trong lâu đời, người ta đã coi việc chỉ ngày tháng xác định là vấn đề đơn giản: nếu tác giả không nói gì về kết cuộc tại Rô-ma của vụ án chính ông đã kể rất dài dòng giai đoạn ở Pa-lê-tin, thì chính là tại ông không biết, vì ông đã viết tác phẩm mình từ "hai năm trước" (28,30), sau khi T. Phao-lô tới Rô-ma, tức là vào khoảng năm 62-63, trước khi xong vụ án. Nhưng bấy giờ Phúc âm T. Lu-ca và hơn nữa Phúc Âm T. Mác-cô đã có trước sách Công vụ, sẽ phải đặt vào một ngày tháng rất sớm, mà khoa phê bình hiện đại, xét chung, không thể nào chấp nhận được. Ðàng khác, ta không hiểu làm sao tác giả đã không chờ cho xong vụ án (28,30) rồi mới viết hay ít ra hoàn tất sách mình: các độc giả ông sẽ khỏi ngạc nhiên về việc kết án (x. 20,22-24; 21,11-14) hay về việc tha về (26,32; x. Plm 22). Thực sự, ngay từ khi T. Phao-lô đến Rô-ma, tác giả đã không còn chú ý vào vụ án, để quay về với đề tài chính yếu trong tác phẩm này: đó là việc loan báo Tin Mừng tại Rô-ma, "cho tới tận cùng trái đất" (28,30), do chính T. Phao-lô, người đã từng nhận lãnh sứ mạng làm chứng tại Rô-ma, cũng như tại Giê-ru-sa-lem (23,11). Lối giải thích về phần cuối sách Công vụ trên đây, không cho phép ấn định ngày tháng biên soạn chính xác. Vì khoa phê bình hiện đại thường đặt ngày tháng biên soạn Phúc âm thứ ba vào sau năm 70, nên cũng chỉ định cho sách Công vụ tông đồ một ngày tháng chung quanh năm 80, chỉ xê xích mười năm.
Tính hiện thời của sách Công vụ Sách Công vụ tông đồ, xét theo một nghĩa, là cuốn hiện thời hơn hết trong mọi sách Tân Ước, vì thời gian và không gian Lời Chúa, do sách ấy biểu dương, còn mở rộng ra trước mặt mọi ki-tô hữu và sẽ còn như vậy cho tới ngày Chúa Giê-su tái lâm (1,11). Các "anh em" ngày nay phải biết đọc sách này, cùng với nhau và cho nhẫn nại. Có như thế mới học biết hay nhớ lại rằng: họ luôn luôn phải cùng nhau làm chứng về Chúa Phục Sinh "cho tới tận cùng trái đất". Tuy việc làm chứng này, trong mỗi Giáo đoàn một khác, nhưng hết mọi Giáo đoàn vẫn làm thành chỉ một Dân Thiên Chúa mà thôi. Và Thánh Linh do Chúa Giê-su thông truyền, ngày hôm nay cũng như ngày hôm qua, có khi sẽ cảm hứng cho họ "những quyết định đồng tâm" (15,25), giúp họ cùng với nhau đi theo "Ðạo Chúa". |
Thiết kế bởi Nguyễn Đức Khoan |