TIN MỪNG THEO THÁNH Gio-an (Trích 0:1-1)

Dẫn nhập

Một Tin Mừng

Trung thành với tập truyền nguyên thủy, Tin Mừng thứ tư kể lại những gì đã xảy ra từ khi ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện cho tới ngày Chúa Giêsu vào trong vinh hiển Cha Người (Cv 1,21-22). Tác phẩm xuất hiện như một chứng từ và chắc chắn là Thánh Gioan đã muốn biên soạn một cuốn Tin Mừng đúng nghĩa. Bắt đầu là một tự ngôn thần học rất là trọng thể (1,1-18). Sau đó, trong phần thứ nhất, Thánh nhân cố gắng kể lại những biến cố và giáo huấn liên hệ vào đó (1,19-12,50). Phần thứ hai thì ghi lại dài dòng những biến cố Tử Nạn và những lần Chúa Kitô Phục Sinh hiện hình (13,1-21,25). Như Ngài nêu rõ trong câu kết ngắn (20,30-31), Thánh Gioan đã chọn một ít dấu chỉ, rồi rút ra từ đấy ý nghĩa tượng trưng. Mục đích là giúp Kitô hữu vừa đào sâu niềm tin vào Ðức Giêsu là Ðấng Thụ Hấn và là Con Thiên Chúa, vừa phát triển đời sống hiệp thông với Người. Muốn làm việc ấy, Thánh Gioan xác định lập trường đối với nhiều thứ lệch lạc khác nhau đang hăm dọa Kitô Giáo trong thời kỳ ấy.

 

Cơ cấu của Tin Mừng

Khó xác định rõ ràng và nêu chi tiết trong lược đồ tác giả đã chọn. Ðã hẳn là phần nhiều tích truyện đều có giới hạn phân minh, nhưng ta không thấy rõ các tiêu chuẩn chi phối việc sắp xếp. Vấn đề càng tế nhị hơn, vì vẫn còn đặt ra giả thuyết là khi xuất bản, có những phần đã bị dời chỗ đi. Ví dụ người ta bị cám dỗ xen ch. 5 vào giữa 7,15 và 7,16. Vì làm như thế thì nhất trí được sự sắp xếp các tài liệu theo địa lý. Nghĩa là một kỳ hoạt động lâu dài ở Giêrusalem tiếp theo một kỳ lưu trú tại Galilê (4,43-54 và 6,1-7,13). Một ít nhà phê bình còn đẩy giả thuyết đi xa hơn nữa và tưởng là có thể nhận ra dấu vết nhiều khúc bản văn bị dời chỗ đi và họ đưa ra những đề nghị táo bạo nhằm sắp xếp lại lược đồ chưa xác định.

Tuy nhiên, phải công nhận là những lý thuyết ấy không căn cứ chi vào tập truyền thủ bản. Hơn nữa, chúng không để ý gì tới các định luật rất mềm dẻo chi phối khẩu truyền và lối biên soạn của người Do Thái. Vì các định luật ấy có phải bao giờ cũng theo đúng các đòi hỏi của khoa luận lý tây phương đâu.

Ðối với những ai chấp nhận thứ tự bản văn hiện thời, thì có nhiều giải pháp. Hết mọi hay gần như hết mọi giải pháp đều công nhận là cuốn Tin Mừng chia ra hai phần theo sau một tự ngôn. Ðàng khác, thật dễ phân biệt một số đoạn chiếu theo mấy chỉ dẫn về địa lý hoặc về thời giờ cũng như theo sự nhắc đi nhắc lại một số lược đồ văn chương (tích truyện - bài giảng). Nhưng mấy đoạn ấy ăn khớp với nhau thế nào? Một số tác giả lựa chọn lược đồ luận lý và vạch lại mấy giai đoạn khai triển đúng theo phương pháp những ý niệm lớn trong thần học (ánh sáng, sự sống, vinh quang). Người khác tưởng là mình nhận ra nhiều giai đoạn trong cuộc chạm trán lần lần giữa đức Kitô với "thế gian" và họ đọc Tin Mừng Thánh Gioan như một tấn tuồng hay một vụ án kết thúc trong cuộc xét xử lớn tức là trong những biến cố Tử Nạn Phục Sinh. Người khác nữa đề nghị những lược đồ theo đề tài. Họ không còn bám vào những tổng hợp chặt chẽ theo lý trí, nhưng xét theo lối biên soạn mềm dẻo giống như các biến thiên trong một đề tài âm nhạc. Người ta đã nêu bật lối xử dụng một số phương thức hành văn "sê mít" như lối "đóng khuôn". Nhiều nhà thông thái đã nêu tầm quan trọng của thần bí "con số". Họ nghĩ mình đã tìm ra những lược đồ căn cứ trên số ba và số bảy. Sau hết, có người đã chủ trương là các sự kiện tiến triển tương đương với tiến trình cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập. Và người khác lại đưa ra giả thuyết phỏng theo những bài đọc phụng tự trong các Hội Ðường.

Tất cả bấy nhiêu phỏng đoán đều gợi cảm thật hay và đôi khi rất là khéo léo. Nhưng chẳng mấy khi một lý thuyết toàn bộ làm cho thỏa mãn hoàn toàn. Vì không có gì bảo đảm là Thánh Gioan đã theo những qui tắc biên soạn đồng nhất trong mọi phần tác phẩm, hoặc chính ngài đã hoàn thành việc biên soạn ấy. Riêng chúng tôi, chỉ coi Tin Mừng thứ tư gồm nhiều tích truyện kế tiếp nhau một cách lỏng lẻo, nhưng vẫn theo một tiến trình: một bên là cuộc chạm trán giữa Ðức Giêsu với "thế gian", một bên là sự các tín đồ hiểu biết lần lần một cách cam go, trước hết ở Galilê, rồi nhất là tại Giêrusalem.

 

Tương quan với các Tin Mừng Nhất Lãm

Tuy Thánh Gioan trung thành với ý niệm tổng quát một cuốn Tin Mừng, nhưng ngài khác với những Tin Mừng Nhất Lãm về nhiều phương diện. Ðiều ta nhận thấy đầu tiên là những khác nhau về địa lý và thời giờ. Các Tin Mừng Nhất Lãm đều nhắc đến một thời kỳ lưu trú lâu dài ở Galilê, tiếp đến một cuộc tiến sang xứ Giuđê dài vắn ít nhiều tuỳ mỗi cuốn, và sau hết là một kỳ lưu trú vắn tại tại Giêrusalem. Còn Thánh Gioan thì trái lại, ghi nhiều lần dời chỗ từ miền nọ sang miền kia và một kỳ hiện diện khá lâu tại Giuđê nhất là tại Giêrusalem (1,19-51; 2,13-3,36; 5,1-47; 14,20.31). Ngài nhắc tới nhiều lần mừng Lễ Vượt Qua (2,13; 5,1; 6,4; 11,55) và như thể là nhắc nhở một sứ vụ kéo dài hơn hai năm.

Ta lại còn thấy khác nhau trên bình diện lời văn và phương thức biên soạn. Các Tin Mừng Nhất Lãm thường có những đoạn vắn ghi lại một số châm ngôn hay tích phép lạ bao hàm mấy lời tuyên ngôn vắn tắt. Còn Thánh Gioan chỉ lựa một số ít biến cố hay tích truyện, rồi khai triển dài thành những cuộc đàm đạo hay là bài giảng. Làm như vậy, đôi khi ngài đạt tới mức gây cảm động thật cao.

Thánh Gioan lại còn độc đáo trong cách lựa chọn những tài liệu đặc biệt. Cố nhiên là ngài nhắc tới nhiều biến cố trong tập truyền Nhất Lãm, như hoạt động của Thánh Gioan Tẩy Giả, việc Ðức Giêsu Thụ Tẩy tại sông Giođan, và kêu gọi mấy môn đồ tiên khởi (1,19-51); tích đuổi người buôn bán ra khỏi Ðền Thờ (2,13-21); việc chữa lành con của viên thị vệ (4,43-54); chữa lành người bất toại (5,1-15) và người mù (9,1-41); việc cho bánh hóa nhiều nơi bờ hồ và đi trên mặt nước (6,1-21); những tranh luận ở Giêrusalem (7-8 và 10); việc xức dầu tại Bêtani và tiến trình các biến cố Tử Nạn Phục Sinh (12-21). Nhưng mấy yếu tố khác trong tập truyền Nhất Lãm, thì không nhắc tới, như cuộc Cám Dỗ nơi hoang địa, việc Chúa Biến Hình sáng láng, tích lập phép Sùng Ân, việc hấp hối trong vườn Giệtsimani, nhiều tích phép lạ và nhiều giáo huấn (từ bài giảng trên núi và phần nhiều dụ ngôn cho tới bài giảng cánh chung. Từ ngữ quen dùng cũng rất khác nhau. Từ "Nước Chúa" chỉ xuất hiện có một lần (3,3-5). Thánh Gioan ưa nói tới sự sống và sống đời đời. Ngài thích những đề tài như thế gian, ánh sáng và tối tăm, sự thật và dối trá, vinh quang Thiên Chúa và vinh dự loài người.

Tuy không gặp thấy trong Tin Mừng thứ tư một số đề tài nơi tập truyền Nhất Lãm, nhưng bù lại, thánh Goan có ghi nhiều sự kiện mới, Như dấu lạ ở Cana (2,1-11); nói chuyện với ông Nicôđêm (3,1-11), đối thoại với thiếu phụ Samari (4,5-42), cho ông Ladarô sống lại và các hậu quả do việc ấy gây nên (11,1-57), rửa chân cho các môn đồ (13,1-19) và nhiều chỉ dẫn trong tích truyện Tử Nạn Phục Sinh. Người ta còn ghi nhận độ dài các bài giảng và các cuộc đàm đạo làm sáng tỏ thêm các biến cố được ghi lại, ví dụ như bài giảng sau Tiệc Ly (13,31-17,26) chuẩn bị cho thời kỳ Hội Thánh.

Thánh Gioan đã biết các Tin Mừng Nhất Lãm tới mức nào? Nhiều nhà chú giải là ngài không biết tới: họ cho là ngài chỉ biết các tập truyền về Chúa Giêsu, mà các Tin Mừng Nhất Lãm đều qui chiếu vào đó. Tuy nhiên, vì có một số lời văn giống nhau quá rõ, nên phải coi là rất có thể Thánh Gioan đã biết tới Thánh Máccô và nhất là Thánh Luca. Còn đối với Thánh Mátthêu, thì không thấy rõ rệt bằng. Dầu sao, ta cũng có thể nói chắc rằng Thánh Gioan giả thiết là độc giả ngài đã biết tới những tập truyền lớn trong Tin Mừng Nhất Lãm.

Các tập truyền này, Thánh Gioan cố gắng suy tư lại. Và ngài làm việc ấy một cách vừa chắc chắn vừa tự do hơn các vị đi trước ngài. Ðối với ngài, trung tín ở tại bắt được và diễn tả ý nghĩa chiều sâu của những biến cố đem ơn cứu độ, do Ðức Giêsu đã hoàn thành. Có thể nói là trung tín mà sáng tạo.

 

Các vấn đề biên soạn

Sự biệt lập đối với các tập truyền Nhất Lãm đây phải chăng là do lợi dụng những nguồn tài liệu khác? Tác phẩm có thực sự nhất trí về hành văn hay khiến ta cảm thấy là có dùng những bút tích khác nhau.

Trước hết, văn bản đầu tiên đã biên soạn bằng tiếng nào? Vì năng gặp thành ngữ Aram, nên nhiều nhà thông thái đưa ra giả thuyết là nguyên bản viết bằng tiếng Aram, rồi sau mới dịch ra tiếng Hi Lạp. Người khác chủ trương là có dịch một số đoạn văn Aram mà tác giả Hi Lạp đã dùng. Nhờ nghiên cứu tỉ mỉ hơn, hình như người ta đã bỏ mấy giả thuyết trên. Về phương diện văn chương, cuốn Tin Mừng có sự nhất trí: tác giả biên soạn trức tiếp bằng tiếng Hi Lạp, tuy nghèo nàn, nhưng xuôi xắn, mà lại có khả năng gợi cảm rất nhiều. Ðấy là một nét đặc sắc của Thánh Gioan. Nhất là ngài dùng những danh từ và kiểu chơi chữ không có tương đương trong tiếng Aram. Ngài lại dùng văn thể và những nét văn chương giúp ta kết luận là có biên soạn nhất trí. Hẳn là có thể giải thích nhiều điều, vì tác giả là người Sêmít mà viết văn Hi Lạp, hay là chịu ảnh hưởng bản văn dịch Cựu Ước sang Hi Văn (bản Bảy Mươi). Hẳn là ngài có thể dùng các nguồn tài liệu riêng, nhất là một tuyển tập các tích phép lạ, mà ngài đã tự do xử dụng không kém gì đối với các tài liệu nhất lãm. Nên nhắc lại rằng Thánh Gioan lệ thuộc nhất là vào môi trường Kitô giáo và đôi khi có dịp, ngài cũng dùng mấy định thức phụng tự hay mấy khúc bài giảng. Ví dụ như cái phần cổ nhất trong tự ngôn, hình như đã mượn ở một bài ca thi giống mấy bài trong các thư Thánh Phaolô viết khi lưu đày hay nơi các thư mục vụ, còn bài giảng về Bánh Trường Sinh, thì xây dựng theo những qui tắc của bài giảng các tôn sư Do Thái.

 

Môi trường tư tưởng

Mọi tư tưởng đều diễn đạt bằng ngôn ngữ và liên kết với các môi trường văn hóa. Nó dùng các từ ngữ và phạm trù phản chiếu những lo âu và quan niệm của môi trường ấy. Nếu tư tưởng có bản sắc, thì thể hiện được những liên hệ mới giữa các từ, để nói lên tư tưởng mới nhờ chính các từ ngữ quen thuộc mượn trong môi trường. Kinh Thánh không thoát ly được những qui tắc ấy. Vì thế cần tìm cội rễ ngôn từ của Thánh Gioan trong những nền văn hóa khác nhau mà gặp gỡ nhau, tại các vùng Cận Ðông thuộc Ðế Quốc Rôma, nơi ngài đã biên soạn Tin Mừng.

Những điểm gặp gỡ do các nhà thông thái nêu lên, thật là khác nhau hết sức. Trước tiên, người ta nhìn nhận ảnh hưởng văn hóa Hi Lạp, rồi ngày càng nhấn mạnh tới những tương quan với Cựu Ước và nhiều thứ môi trường Do Thái, thậm chí còn nhận ra một ít liên lạc với các trào lưu "ngô đạo".

a) Văn Hoá Hi Lạp

Chắc chắn là Thánh Gioan có những tương hệ với văn hóa Hi Lạp nhiều hơn các Tin Mừng Nhất Lãm. Sự lưu tâm đặc biệt tới những gì thuộc phạm vi hiểu biết và chân lý, việc dùng tiếng Logos, nhất là việc dùng biểu tượng đều hướng dẫn tìm tòi về phía đó. Người ta nghĩ cách riêng tới ông Philông thành Alécxanđi, vì đầu thế kỷ thứ nhất, ông đã bắt tay vào công trình vĩ đại là hi hóa toàn thể gia tài tông giáo của đạo Do Thái. Chính địa vị quan trọng tác phẩm ông dành cho ý niệm Logos; một ý niệm khá hồ đồ, khiến người ta thừa nhận là có ảnh hưởng văn hóa Hi Lạp. Có thể là tư tưởng ông Philông đã lan tràn vào nhiều môi trường Do Thái khác nhau ở ngoài đất Palêtin, tức là các nhóm Do Thái Tản Cư, và tạo nên một thể thức sưu tầm và một lối sống riêng. Thánh Gioan đã có thể biết một trong những môi trường ấy. Nhưng cái nhìn tổng quát thì khác nhau rõ ràng. Nơi Thánh Gioan, không thấy có sự hiểu biết theo nhiều bậc thang, từ các khoa học và suy tư triết lý đi dần lên cho tới việc cung chiêm Hữu Thể. Ðối với ngài, điều cốt yếu là nhờ đức tin mà biết Chúa Con Nhập Thể. Dù có những nơi dùng từ ngữ in nhau, nhưng ý nghĩa lại khác. Ví dụ như Logos (Ðạo Ngôn) của Thánh Gioan không phải là một thọ sinh làm trung gian giữa Thiên Chúa và vũ trụ, nhưng chính là Chúa Con vốn có trước muôn đời, hoàn toàn liên kết với tác động Chúa Cha.

Ðầu thế kỷ này, nhờ biết các hình thức bình dân và chiết trung khả năng trong đời sống triết lý và tông giáo của thế kỷ thứ nhất, nên người ta có thể ghi nhận nhiều điểm tương đồng khác trong từ ngữ. Một ít người nhân đó kết luận là Thánh Gioan chỉ thích nghi Kitô Giáo một cách rộng rãi qui mô, tẩy sạch những quan niệm khải huyền và Do Thái trong đạo ấy, và biến Kitô Giáo thành một nền thần bí cá nhân.

b) Ảnh hưởng Do Thái

Nhưng chày kíp người ta lại nêu bật cội rễ Cựu Ước và Do Thái của Tin Mừng Thánh Gioan. Người ta ghi nhận trong lời văn có nhiều kiểu nói sêmít. Nhận xét này làm phát sinh giả thuyết nguyên bản Tin Mừng bằng tiếng Aram. Ðàng khác, người ta nhấn mạnh tới tầm quan trọng của những lời gợi nhớ Cựu Ước. Tuy Thánh Gioan họa lắm mới trưng Cựu Ước cách minh nhiên và lo tách biệt rõ ràng chế độ cũ và chế độ mới, nhưng ngài lại dùng nhiều định thức Cựu Ước và cách riêng là những đề tài thuộc văn chương khôn ngoan, như nước, lương thực trên trời và Manna, chủ chăn, cây nho, Ðền Thờ. Chẳng khác nào Thánh Gioan biết rõ các đề tài và sự chúng thay đổi khác nhau, nhưng lại muốn dùng chúng theo quan niệm cá nhân và bản sắc của mình.

Ðàng khác, người ta còn ghi nhận nhiều điểm giống với đạo Do Thái đương thời, ví dụ như kiểu lý luận, phương thức biên soạn và các từ ngữ quen dùng trong giới tôn sư. Một số người còn nghĩ là có thể nhận ra những ám chỉ hay là vay mượn nơi phụng tự Do Thái. Ðiều chắc chắn là Thánh Gioan thông suốt những thói quen và lề lối suy tư của đạo Do Thái xứ Palêtin vào thế kỷ thứ nhất. Nhưng đồng thời cũng ý thức rõ ràng các dị biệt sâu xa tách rời đạo Do Thái với Kitô Giáo. Hai bên đã dứt khoát đoạn tuyệt với nhau (x. 9,22; 12,42). Và Thánh Gioan rất xa với chủ nghĩa duy luật và duy nghi thức của đạo Do Thái. Ngài nêu bật tính cách mới mẻ và siêu việt của thế giới Nhập Thể.

Những bút tích Qumrân người ta mới khám phá ra từ thế kỷ 20 năm nay, đã giúp ta biết thêm một môi trường Do Thái khác. Mà môi trường này lại có nhiều tương hệ với Tin Mừng thứ tư. Người ta đã nhận thấy cả hai bên đều nhấn mạnh tới một thế nhị nguyên rất rõ ràng trong phạm vi tôn giáo và luân lý như ta thấy diễn tả trong mấy cặp đối lập ánh sáng và tối tăm, sự thật và dối trá. Tín đồ cả hai bên đều coi cộng đoàn của mình khai mạc thời kỳ cánh chung và gắng công khám phá ra ý nghĩa tiềm tàng của những lời chỉ dẫn trong Cựu Ước. Cả hai bên đều gán tầm quan trọng rất lớn cho Vị Huấn Sư và nêu rõ vai trò của Thần Chân Lý hay của Thánh Linh.

Nhưng bên cạnh những nét chung trên này, hai cộng đoàn có nhiều điểm khác nhau. Trước hết là bầu khí khác nhau. Thánh Gioan rất xa với óc khải huyền trong một số bản văn Qumrân cũng như rất xa với óc duy luật gắt gao người ta nhận ra trong đó. Vai trò Chúa Giêsu khác xa vai trò Thầy Công Chính hay vai trò hai Vị Thụ Hấn của giáo phái này. Ðã hẳn là ta có thể ghi nhận các định thức và lo âu tương đồng, nhưng cái khuynh hướng tổng quát thì khác nhau triệt để.

c) Phái ngộ đạo

Sau hết, từ hai thế kỷ nay, người ta đã tìm mối liên hệ của Tin Mừng thứ tư đối với các trào lưu ngộ đạo. Ai cũng biết ngộ đạo là một giáo lý bí truyền giúp tín đồ, sau một số tinh luyện, có thể mở lòng đón ơn cứu độ, nhờ biết các chân lý lớn trong đạo hay nhờ sự ngất trí. Các giáo lý này cảm hứng cho người ta thật tình gớm ghét các thực tại vật chất hay xác thịt, coi chúng là đồng nhất với Ác Thần. Chúng ta biết được các khuynh hướng ngộ đạo nhờ những bản văn có sau thế kỷ thứ nhất hoặc trong môi trường hi lạp chịu ít nhiều ảnh hưởng Ðông Phương hoặc trong môi trường Kitô Giáo. Có thể cho là một số tập truyền ngộ đạo đã xuất hiện sớm hơn, và bởi đấy có thể xét tới ảnh hưởng thuyết này đối với Tin Mừng thứ tư.

Vấn đề càng tế nhị hơn, vì nguồn tài liệu không có bao nhiêu và tương đối muộn màng. Nếu nhất định không buông theo trí vẽ và không căn cứ vào những bản văn rất muộn màng, để xét một hệ thống ngộ đạo lớn lao bao trùm đa số môi trường tông giáo vào thế kỷ thứ nhất, thì có thể theo duy những thiên đặc sắc trong cuốn Corpus hermeticum. Trong cuốn này có hai thiên (I và XIII) đề nghị một hệ thống khá tinh ròng; một vị Thần Nhân hay là Nguyên sơ Nhân bị rơi xuống và sa lầy trong vật chất; người ta mô tả các điều kiện và giai đoạn trải qua những vòng tác hại do các hành tinh kiểm soát, để đi lên thấu cõi trời. Thiên Chúa xuất hiện là Hữu Thể huyền nhiệm, là Ánh Sáng và Sự Sông. Và sự sống thật đối với con người, chính là đạt tới Thiên Chúa trong sự hiểu biết trực tiếp và phúc hóa.

Thật khó xác định những lệ thuộc văn chương giữa Thánh Gioan và những thiên ngộ đạo trên này (và nếu thuộc thì đâu là nguồn gốc?) Nhưng ta phải nhìn nhận là có những lo âu và một số định thức chung nhau. Vì được đào tạo trong môi trường phiền phức có nhiều khuynh hướng gặp gỡ nhau và chạm trán với nhau như vậy, nên có thể là Thánh Gioan được kích thích và thúc đẩy nêu rõ mối tương quan giữa sự hiểu biết và đời sống thần tính Thiên Chúa có thể ban cho loài người. Nhưng ngài đã phản ứng thật là độc đáo, vì sự ngài tin vào giáo lý Thiên Chúa tạo thành vạn vật loại trừ hẳn thuyết bi quan siêu hình, và sự kiện Con Thiên Chúa Nhập Thể làm cho thể xác và số phận con người có một ý nghĩa khác xa với những suy tư của phái ngộ đạo.

d) Bản sắc của Thánh Gioan

Tất cả bấy nhiêu phỏng đoán tỉ mỉ và tinh vi không cho phép ta chỉ rõ Thánh Gioan đã theo những lựa chọn căn bản của một môi trường tư tưởng nào. Hình như ngài đã sống vào giao điểm nhiều trào lưu "triết học tôn giáo" đương thời, hẳn là ở trong một đô thị, nơi tư tưởng hi lạp gặp gỡ thuyết thần bí đông phương và nơi chính đạo Do Thái cũng theo nhiều hình thức và mở rộng đón các ảnh hưởng bên ngoài. Nhưng không vì thế mà quên nét độc đáo sâu xa của tư tưởng ngài. Tư tưởng này liên hệ đặc biệt với đời sống và lời nói của những cộng đoàn kitô hữu mà Thánh Nhân là một phần tử. Ngài qui chiếu trước tiên vào những biến cố sáng lập Kitô Giáo và thừa hưởng nhiều cố gắng của Kitô hữu đầu tiên tìm cách suy tư thần học và diễn tả huyền nhiệm Ðức Kitô. Ví dụ như ta nhận thấy nhiều điểm giống với Thánh Phaolô cách riêng là với các Thư viết khi bị tù và những bút tích mà tập truyền coi là có liên hệ với thành Êphêsô. Thánh Gioan cũng biết tới nhiều bản văn tương tự.

Tuy nhiên, việc ăn rễ sâu vào môi trường Kitô Giáo đương thời không ngăn trở Thánh Gioan thể hiện một tác phẩm độc đáo sâu xa, nghiền ngẫm lâu dài, hoàn toàn tự do đối với các trào lưu ngài gặp gỡ và quí chuộng. Ngài duyệt lại và đồng hóa tất cả theo cái nhìn vừa phiền phức vừa giản đơn về thực tại và vai trò của Chúa Giêsu, là Ðấng Kitô, là Con Thiên Chúa (20,30).

 

Tin Mừng thứ tư và lịch sử

a) Phủ nhận sử tính của Tin Mừng Thánh Gioan

Ngày từ đầu thế kỷ 19, người ta đã đặt vấn đề sử tính của Tin Mừng thứ tư. Vì thấy nhiều nét phân biệt tác phẩm Thánh Gioan với ba cuốn Nhất Lãm, như đã nêu trên này, nên nhiều nhà chú giải tự hỏi phải chăng đặc tính thần khoa sách ấy nhắm mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu lịch sử. Việc dùng biểu tượng phải chăng muốn hướng độc giả vượt quá những sự kiện nguyên sơ, tức là hành vi và lời nói, đúng như người ta đã cảm nhận lúc đầu? Vì thế, nhiều phê bình gia đã dứt khoát không nhìn nhận giá trị bút tích của Tin Mừng thứ tư. Họ coi Tin Mừng Thánh Gioan là một bài suy gẫm hay một "định lý thần khoa" (A. Loisy).

Nhưng nhờ nghiên cứu tỉ mỉ hơn về những phương thức biên soạn và chủ ý các Tin Mừng Nhất Lãm, và nhờ đổi mới những suy tư về phương pháp lịch sử, lại nhờ học hỏi cách thản nhiên hơn về các sự kiện trong Thánh Gioan, nên các độc giả ngày nay bỏ rơi cách lựa chọn một chiều ngày trước. Vì câu giải đáp thực sự gay go phiền phức hơn nhiều.

b) Các sự kiện lịch sử trong Tin Mừng Thánh Gioan

Trước tiên phải ký nhận là Thánh Gioan kể lại nhiều sự kiện mà ba sách Nhất Lãm cũng tường thuật. Nhất là đối với hoạt động Thánh Gioan tẩy giả và phép thanh tẩy tại sông Giođan, nhiều phép lạ và cách riêng phép lạ hóa bánh nên nhiều (1,19-51; 2,13-21; 6,12-21). Lại có toàn thể các tích truyện về Tử Nạn Phục Sinh (12-21). Việc so sánh các đoạn văn này cho phép ta kết luận rằng Thánh Gioan muốn kể lại các sự kiện mà Tập Truyền đều biết và ngài làm việc ấy cách trung thành. Về nhiều điểm, ngài còn đem lại cho ta những nguyên tố độc đáo, mà ta có thể cân nhắc sử tính chúng được. Ví dụ như các sự kiện về địa lý hay thời giờ cũng như các chỉ dẫn liên quan tới những thể chế Do Thái và Rôma; tất cả đều chứng minh tác giả biết rõ các điều kiện sinh sống trong xứ Palêtin hồi đầu thế kỷ thứ nhất. Các điều kiện này sẽ không còn nữa, sau cuộc chiến tranh 66-72. Ðàng khác Thánh Gioan lại rất xa những điều kiện ấy. Vậy ngài đã lo nêu đúng các điều kiện thực tế trong lịch sử Chúa Giêsu. Vì đây không phải là một truyện ngắn thần khoa. Tin Mừng nói đến một Ai đã sống, đã qua đời và đã phục sinh, vào một điểm thời gian xác định (x. 2,20) và Thánh Gioan biết rõ tập truyền về Ðấng ấy. Ðàng khác, tác giả tự coi, hay ít nữa được coi là một nhân chứng (19,35; 21,24); điều ấy bao hàm sự làm chứng về các sự kiện hay chân lý mình đã từng mắt thấy tai nghe hay đích thân biết rõ và mình đã dấn toàn thân để phục vụ. Nếu cốt yếu sứ điệp đúng là sự kiện "Ðạo ngôn đã hóa nên xác phàm và cắm lều ở giữa chúng ta", khiến chúng tôi đã xem thấy sự vinh hiển Người", thì ta hiểu được tầm quan trọng độc nhất vô song của thực tại lịch sử các sự kiện Thánh Gioan kể lại. Thánh Gioan làm sáng tỏ ý nghĩa các điều xảy ra nơi Ðức Giêsu Kitô. Vì thế sách ngài trước tiên là cuốn tường thuật một chuỗi dấu chỉ lựa chọn giữa nhiều dấu chỉ (20,30-31; 21,25). Ðàng khác, khi làm như thế, phúc âm gia đi vào truyền thống bao la trong Kinh Thánh, cố miêu tả hết giai đoạn này sang giai đoạn khác, mối tương quan giữa Thiên Chúa với dân của Ngài, coi như là tường thuật các hành vi Thiên Chúa trong lòng lịch sử nhân loại. Iraen vẫn luôn luôn công nhận biến cố có quyền ưu tiên đối với logos. "Tư tưởng hi bá là một tư tưởng diễn đạt bằng những tập truyền lịch sử. Tư tưởng ấy vận chuyển nhất là trong việc giải thích thần khoa về các tập truyền, khiến cho liên hệ lịch sử bao giờ cũng vượt trên suy tư thần học" (von Rad).

c) Ðào sâu ý nghĩa các sự kiện

Vì nếu phúc âm gia chỉ kể lại các sự kiện nguyên sơ mà thôi, thì chưa đủ. Nhưng còn phải nêu bật ý nghĩa sự kiện (x. 9,1-41), phải am tường ảnh hưởng và chiều sâu của sự kiện ấy, cho các môn đồ có thể tiên tới trong sự hiểu biết và mở lòng ra đón nhận sự sống muôn đời. Ðã thuật lại các dấu chỉ "cho anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, là Con Thiên Chúa và nhờ tin như thế anh em được sống trong Danh Người" (20,30-31). Thánh Gioan ý thức rằng chỉ có thể đạt tới sự hiểu biết tuần tự này nhờ huyền nhiệm Vượt Qua. Ðức Kitô phải đi qua Thánh Giá để vào trong vinh hiển viên toàn, thì ta mới thấy được ý nghĩa sâu xa của đời Chúa Giêsu và của từng hành vi rất nhỏ Người làm. Ðồng thời lại cần phải lãnh nhận Thần Chân Lý là hoa quả huyền nhiệm Vượt Qua (7,39; 16,7; 20,22): vì Thánh Linh dẫn tín đồ tới sự hiểu biết chân lý toàn diện, tức là hiểu mọi cái chỉ làm thành thực tại và tác động của Chúa Giêsu, là Con Thiên Chúa Nhập Thể (16,5-15). Ðiều hồi niệm của Thánh Gioan, chính là đọc lại để am tường lịch sử Chúa Giêsu (2,21-22; 12,16; 14,26; 15,26-27).

d) Nhờ qui chiếu vào Cựu Ước và biểu tượng hóa lịch sử

Muốn am tường theo đúng truyền thống lớn của Kitô Giáo, thì cần phải qui chiếu những biến cố Chúa Giêsu đã sống vào những biến cố và những lời tiên báo trong Cực Ước, làm cho các biến cố và lời nói này đạt tới ý nghĩa thật của mình (2,17; 5,37-47; 7,17; 12,16.37-41; 19,24.28.36-37). Thánh Gioan, hơn mọi người khác, đã bắt được cái mới bao la của các thực tại tỏ bày ra nơi Ðức Giêsu và ngài diễn tả điều ấy theo những lược đồ đặc biêt của Kitô Giáo.

Như thế là ta đứng trước một tiến trình có sử tính quyết liệt, nhưng khác xa với những tiến trình hay những đòi hỏi của các sử gia thực nghiệm, chỉ lưu tâm ghi lại các sự kiện đúng như đã xảy ra, mà không làm sáng tỏ ý nghĩa của chúng, nhờ đặt chúng vào toàn thể chế độ Cứu Chuộc. Những tác giả kim thời gọi đó là lịch sử "giảng truyền" hay lịch sử "phẩm chất". Người xưa đã gọi đó là "Tin Mừng thiêng liêng" (Cơlêmen Alécxanđi). Việc hiểu Ðức Kitô và tác động Người theo chiều sâu đó thường thể hiện nhờ việc biểu tượng hóa lịch sử Người. Cái nhìn của môn đồ tuần tự khám phá ra các sự kiện và lời nói của Chúa Giêsu gồm có nhiều tầng ý nghĩa và luôn luôn thúc ta phải vượt qua chính mình chúng. thế mới hay tầm quan trọng của ý niệm "dấu chỉ". Cũng vì thế mà tác giả rất ưa gợi nhiều ý nghĩa của một sự kiện hay một lời nói (3,14-15; 8,28; 12,32) và cuối cùng lại mỉa mai tinh quái trước những lời của đối phương có thể bao hàm ý nghĩa khác xa điều họ muốn nói (7, 52; 9,24-27; 11,49; 12,19; 16,30; 19,18-22). Chỉ có Kinh Nghiệm về Thánh Linh mới giúp hiểu được bản văn ý nghĩa thế nào.

 

Tác giả

a) Tác phẩm nghiền ngẫm lâu dài và chưa hoàn tất

Tất cả bấy nhiêu nhận xét đưa tới kết luận rằng Tin Mừng Thánh Gioan không phải chỉ là chứng từ do người chứng kiến viết một mạch sau khi biến cố xảy ra. Nhưng trái lại, tất cả đều gợi cho ta biết đó là cuộc nghiền ngẫm suy đi nghĩ lại lâu dài.

Lại phải thêm rằng tác phẩm hình như chưa hoàn tất, vì có một số đoạn gắn với nhau cách vụng về, một ít khúc có vẻ không ăn nhằm với mạch văn (3,13-21.31-36; 1,15). Tất cả đều cho ta thấy tác giả xem ra chưa bao giờ có cảm tưởng là mình đã đạt tới mục tiêu rồi. Có thể đó là lý do giải thích sự vô trật tự tương đối của các tích truyện. Có lẽ là Tin Mừng theo hiện trạng đã do các môn đồ Thánh Gioan xuất bản. Và đã thêm vào ch. 21 và hẳn là cả mấy ghi chú nữa (ví dụ như 4,2 và có lẽ 4,1; 4,44; 7,39b; 11,2; 19,35). Còn tích truyện người nữ ngoại tình (7,53-8,11), thì mọi người đều đồng ý công nhận là một đoạn không biết gốc tích từ đâu, sau mới xen vào đó (nhưng vẫn thuộc về Thánh Kinh qui điển).

b) Tác phẩm không nói gì rõ về tác giả

Còn tác giả và ngày tháng biên soạn Tin Mừng thứ tư, thì trong chính tác phẩm, ta không thấy chỉ dẫn nào chính xác. Có khi là tác giả chủ tâm như vậy. Vì người ta cần chú ý, không phải là chứng nhân, nhưng vào Ðấng mình nghe loan báo và nhìn ngắm (3,29; 1,8; 4,41). Tuy nhiên, câu thêm 21,24 không ngần ngại coi tác giả chính là "môn đồ Ðức Giêsu ưu ái", tức là người đã được nhắc đến nhiều lần trong các biến cố Phục Sinh (13,23; 19,26; 20,2). Hẳn đó là "môn đồ khác", nhiều đoạn văn nhắc tới mà không nêu rõ tên ra (1,35-39; 18,15).

c) Tập truyền coi tác giả là Thánh Gioan Tông Ðồ

Từ thế kỷ thứ 2 các tập truyền Giáo Hội gọi tác giả là Thánh Gioan và bắt đầu coi ngài là một trong hai người con của ông Dêbêđê, là một vị trong nhóm Mười Hai Tông Ðồ. Một đoạn sách ông Papia, giám mục thành Hiarapoli xứ Phygia vào khoảng năm 140, làm cho người ta có phần nghi ngại: "Tôi không ngần ngại coi vào số những giải thích, các điều ngày kia tôi đã học rất đúng nơi hàng kỳ lão và còn nhớ rất kỹ càng, vì tôi chắc đó là đúng sự thật... mặc dầu có ai đã theo hàng kỳ lão đến cũng vậy. Tôi thường hỏi cho biết các lời hàng kỳ lão nói: lời ông Anrê, hay ông Phêrô, hay ông Philíp, hay ông Tôma, hay ông Giacôbê, hay ông Gioan, hay ông Mátthêu, hay vị nào khác trong các môn đồ Chúa". (Êuxêbơ, Lịch Sử G.H. III, 39,3-4). Vậy người ta đã phân biệt một ông Gioan Tông Ðồ, là một vị trong nhóm Mười Hai với một ông Gioan khác là Kỳ Lão, môn đồ của Chúa. Nhưng không thấy nhắc đến sách vở chi. Ông Papia lưu ý nhất là tới "lời sống động và bền bỉ". Cuối thế kỷ thứ 2 Thánh Irênê nói rõ ràng hơn: "Rồi ông Gioan, là môn đồ Chúa, chính người đã ngã đầu vào ngực Chúa, cũng xuất bản một cuốn Tin Mừng, trong khi ngài ở thành Êphêsô (chống bè rối III, 1,1). Thánh Irênê tự xưng là môn đồ Thánh Polycáp. Mà Thánh Polycáp "đã nói là ngài có liên lạc với Thánh Gioan và các môn đồ khác của Chúa... (Êuxêbơ Lịch Sử G.H., V,20,6,8). Thánh Irênê coi tác giả là con của ông Dêbêđê, là một trong nhóm Mười Hai. Thời bấy giờ, tuy có một ít nố do dự, nhưng cái khuynh hướng rất mạnh là gán cho một vị trong nhóm Mười Hai, những sách đó được coi là qui điển. Còn đối với Tin Mừng thứ tư, thì ta nhận thấy gần như mọi người đều đồng ý. Mọi tác giả (qui điển Muratori, Cơlêmen Alecxanđi, Origiên, Téctuliên), đều nói tới vai trò của Thánh Gioan, một vị trong nhóm Mười Hai, như tới một sự kiện chắc chắn. Chỉ còn một nhóm nhỏ bên Rôma quây quần xung quanh linh mục Gaiô là tỏ ra do dự, nhưng họ không nêu bằng chứng của tập truyền.

d) Khoa phê bình thế kỷ 19 phủ nhận tập truyền trên

Ý kiến cổ truyền ấy, mãi tới đầu thế kỷ 19 mới bị khoa phê bình đặt lại vấn đề. Khoa này nêu những dị biệt giữa Tin Mừng thứ tư với các Tin Mừng Nhất Lãm và tầm quan trọng của suy tư thần học. Vì phủ nhận tác giả là chứng nhân chứng kiến, nên người ta thường cũng chối phăng mọi giá trị lịch sử của tác phẩm ngài. Người ta muốn coi tác giả là thần học gia đã thể hiện, vào giữa thế kỷ thứ 2, một tổng hợp các trào lưu của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Phía các môi trường Giáo Hội lúc đầu đã phản ứng mạnh mẽ, vì bấy giờ người ta còn liên kết chặt chẽ với nhau vấn đề bắt nguồn từ Thánh Gioan với vấn đề uy tín của chứng từ. Gần như người ta coi việc gán bản văn cho bản thân Thánh Gioan là vấn đề liên hệ tới đức tin. Ngày nay, chúng ta đã phân biệt các vấn đề cách đứng đắn hơn, và những tiến bộ của suy tư về lịch sử và về những phương pháp sử học đã giúp ta thoát ly những lối lựa chọn một chiều của người xưa.

e) Tác giả viết theo tập truyền Thánh Gioan vào cuối thế kỷ 1

Trước hết nên ghi nhận rằng việc xuất bản một đoạn văn của Tin Mừng thứ tư (18,31-33.37-38) mới khám phá ra bên Ai Cập, mà các nhà thông thạo cho là xuất hiện vào khoảng năm 110-130, đã bắt các phê bình gia phải trở về với sự kiện cổ truyền: tức là sách Tin Mừng đã xuất bản vào cuối thế kỷ thứ nhất. Việc định nơi xuất bản là một Giáo Ðoàn Ðông Phương Hi Lạp (Êphêsô) cũng rất có thể còn đúng sự thật. Không thể tuyệt đối loại trừ giả thuyết chính Thánh Gioan Tông Ðồ đã biên soạn, nhưng đa số các phê bình gia không theo thuyết chưa xác định này. Có người không nêu tên tác giả nữa, vì coi đó là một Kitô hữu viết bằng tiếng Hi lạp, vào cuối thế kỷ thứ nhất, trong một Giáo Ðoàn Ðông Phương, nơi các trào lưu tư tưởng khác nhau của giới Do Thái và giới Ðông Phương Hi hoá chạm trán với nhau. Người khác nhắc tới kỳ lão Gioan mà ông Papia đã đề cập đến. Người khác nữa tưởng có thể thêm rằng tác giả liên kết với một tập truyền bắt nguồn từ Thánh Gioan: đó là điều giải thích vì sao tác phẩm dành địa vị ưu thắng cho "môn đồ Chúa Giêsu ưu ái". Môn đồ này có lẽ là chính Thánh Gioan, con ông Dêbêđê. Ðiều kỳ lạ là trong các tông đồ chính yếu, chỉ có ông là Tin Mừng thứ tư không nhắc đến tên bao giờ.

 

Thần học

Không thể trình bày một cái nhìn tổng quan về tư tưởng thần khoa của Thánh Gioan. Trung thành với tập truyền lớn Thánh Kinh, Thánh Gioan không muốn giới thiệu một hệ thống, nhưng muốn làm sáng tỏ những biến cố cứu độ. Ngài không nghĩ tới việc nêu ra một nguyên tắc căn bản, để theo đó mà tổ chức các sự kiện khác. tất cả lưu tâm của ngài đều tập trung vào Ðức Kitô: phải biết và hiệp thông với Người, thì tín đồ mới đạt tới sự sống muôn đời nhờ khám phá ra Ðức Chúa Cha. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu vài hướng chính.

Lược đồ "có trước, rồi nhập thể" không phải là riêng cho Tin Mừng thứ tư. Ta còn gặp thấy nơi khác nữa, nhất là trong bài ca thi ở Ph. 2,6-11 và ở Co 1,15, nhưng xét chung chỉ là muốn đối lập Tử Nạn với Phục Sinh. Còn Thánh Gioan có cái nhìn rộng rãi hơn và chung qui là cổ truyền hơn. Ngài nhìn xem toàn thể cuộc đời Chúa Giêsu (dấu chỉ và lời nói) và dành tầm quan trọng rất lớn cho việc diễn tiến cuộc đời ấy trong thời gian (đề tài "Giờ"). Chính nhờ qua những biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu mà chóp đỉnh là việc Phục Sinh, Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra trong lòng thế gian (sự "vinh quang"). Tuy nhiên, việc mặc khải ấy không vì thế mà trở nên một sự kiện thuộc trần gian, nhưng đặt lại vấn đề trần gian. Những kẻ nào tin, thì sẽ được sinh vào đời sống mới, nhưng thế gian xét là thế gian sẽ từ chối Chúa, vì Người vượt quá tầm sức thế gian. Và Tin Mừng gợi cho ta nhớ cuộc xung đột mà kết thúc sẽ là Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Thế gian sẽ bị xét xử và bị lên án vào chính "Giờ" nó tưởng mình toàn thắng được Ðấng nó đã triệt để không hề nhìn biết.

Thánh Gioan không mô tả cuộc đời có trước của Ðức Kitô. Ngài không ghi lại ví dụ như lời đối thoại trên trời trong đó Ðức Kitô nhận sứ mạng Chúa Cha trao phó cho Người. Ở đây thật là xa với huyền thoại. Chính trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã tự tỏ mình ra cho những người nhờ đức tin và ơn Chúa Thánh Linh mà tiến sâu vào sự hiểu biết về Chúa Cha.

Bài trước  Mục Lục  Bài kế tiếp

Thiết kế bởi Nguyễn Đức Khoan